Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021): QUAN TÂM THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Học tập và làm theo lời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp Sự kiện Lịch sử Tin tốt, chuyện đẹp

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang do Đảng ta lãnh đạo, để có được ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tôn vinh, ghi nhớ công lao của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Mặc dù đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đã được Nhà nước thể chế thành những văn bản thực hiện đầu tiên, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác thương binh, liệt sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL đặt ra chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.

Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Trong 74 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, chăm sóc bố mẹ, con liệt sĩ…

Đất nước được hoàn toàn độc lập, phát huy truyền thống vẻ vang, ý chí tự lực tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ,… góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là nghĩa vụ, là trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một hệ thống chính sách hoàn chỉnh, có hiệu lực và hiệu quả cao. Các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và mọi người dân trên cơ sở nhận thức rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về hệ thống chính sách đó, để quyết tâm tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả cao và thiết thực. Thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện phấn đấu để xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nước, vì dân.

Ban Tuyên giáo tổng hợp

Trả lời