Phong trào thanh niên lập nghiệp ở huyện An Lão: Hỗ trợ thiết thực, mô hình hiệu quả

Tin tức 2017
Thời gian qua, phong trào lập nghiệp đã thực sự tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thanh niên (TN) huyện miền núi An Lão. Bằng tinh thần học hỏi và sự sáng tạo, nhiều TN đã áp dụng thành công các mô hình sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống cho gia đình và bản thân.
Nhiều mô hình hiệu quả
Về thị trấn An Lão, hỏi chị Lê Thị Kim Luyến (31 tuổi), ai cũng biết. Không chỉ là một gia đình giáo viên hạnh phúc, vợ chồng chị Luyến còn làm kinh tế giỏi, nhất là đã tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Chị Luyến cho biết: “Gia đình tôi có 10 ha đất trồng keo. Cách đây 3 năm, hai vợ chồng bàn nhau chuyển đổi 1 ha cây keo sang trồng bơ sáp. Lúc ấy, nhiều người bảo chúng tôi điên, cái chắc ăn không làm mà lại đi trồng cái loại cây lạ hoắc”.

Để có vốn đầu tư, vợ chồng chị Luyến làm thủ tục vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm qua kênh Trung ương Đoàn. Đến nay, 300 cây bơ sáp của gia đình chị Luyến đã cho vụ trái đầu tiên, hứa hẹn năng suất cao trong thời gian tới. Ngoài ra, chị Luyến còn tận dụng khoảnh đất trống dưới tán bơ để trồng cỏ nuôi 4 con bò, trồng 100 gốc chuối lùn và hàng ngàn gốc mì. “Mỗi năm, hai vợ chồng tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng từ làm kinh tế vườn. Số tiền vay ban đầu, tôi đã trả được 60 triệu đồng. Chúng tôi đang tính sẽ chuyển dần diện tích trồng keo sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, sầu riêng, có hiệu quả kinh tế cao hơn” – chị Luyến chia sẻ.

Tương tự, anh Đỗ Quốc Việt (ở thị trấn An Lão) cũng nhờ có chí tự lập và được hỗ trợ vay vốn qua kênh của tổ chức Đoàn để làm xưởng mộc và buôn bán thiết bị điện- nước mà cuộc sống dần khá lên. Mỗi năm, cơ sở anh Việt làm ra hàng trăm sản phẩm gỗ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ), lợi nhuận hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 TN với mức thu nhập từ 200 – 300 ngàn đồng/người/ngày. “Một khi có nghị lực, biết tìm tòi, sáng tạo thì không cần đi đâu xa, ở quê hương mình cũng có cách làm giàu” – anh Việt đúc kết.

Ngoài vợ chồng chị Luyến, anh Việt, nhiều TN khác ở An Lão cũng nhờ vay vốn từ kênh của Đoàn mà khá lên với mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm như: Anh Nguyễn Văn Mươi (ở xã An Hòa) với mô hình nuôi nai, chị Nguyễn Thị Kim Thuê (cũng ở xã An Hòa) làm dịch vụ in ấn, anh Phan Minh Hoàng (ở thị trấn An Lão) buôn bán nhỏ, anh Hồ Ngọc Hưng (ở xã An Hòa) làm dịch vụ sân bóng đá mini.

Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
Theo anh Lê Đức Thành, Bí thư Huyện đoàn An Lão, phong trào tuổi trẻ trên địa bàn huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn do TN đi lao động hoặc làm việc ở các địa phương khác khá nhiều. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động và tập hợp, thu hút ĐVTN tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội, Huyện đoàn đã cụ thể hóa các nội dung của phong trào “Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, trong đó chú trọng đến nội dung “đồng hành với TN trong nghề nghiệp và việc làm”.

Cụ thể, Huyện đoàn An Lão và Hội LHTN Việt Nam huyện thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động nhận ủy thác và xử lý các khoản vay không đúng mục đích. Đến nay, Huyện đoàn đang quản lý 18 tổ vay vốn với gần 560 lượt ĐVTN vay trên 16,5 tỉ đồng, để đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội LHTN Việt Nam huyện còn triển khai hiệu quả đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, với gần 1.000 TN được giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT nông – lâm – ngư nghiệp và đã có gần 300 TN được giải quyết việc làm.

Nói về phong trào này, anh Lê Đức Thành chia sẻ thêm: “Nhằm tạo điểm tựa, niềm tin cho ĐVTN, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra hoặc hỗ trợ những TN có ý tưởng hay về phát triển kinh tế nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Đặc biệt, với những cá nhân có mô hình kinh tế hiệu quả, chúng tôi đều tổ chức tuyên dương. Từ đó, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và nhiều mô hình cũng đã được nhân rộng cả về lượng và chất”.

Trả lời