TỈNH ĐOÀN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA THANH NIÊN TÔN GIÁO TẠI THỊ XÃ AN NHƠN

Chưa được phân loại

Chị Đoàn Thị Xim thanh niên tôn giáo ở khu vực Phú Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn hiện nay là một giáo viên tiểu học, chị sinh ra trong một gia đình làm nghề tráng bánh tráng truyền thống, do đó, từ nhỏ đến lớn, ngoài thời gian đi học, đi dạy chị còn phụ giúp gia đình trong những công việc hàng ngày. Nhờ vậy chị thấu hiểu được những khó khăn và vất vả của những người làm nghề tráng bánh thủ công với nhiều công đoạn. Và từ đó, trong chị luôn ấp ủ ý tưởng phát triển ngành nghề truyền thống của gia đình sang một hướng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà không mất nhiều công sức, đó là tráng bánh tráng bằng máy.

Mô hình làm bánh tráng của chị Xim

Bánh tráng là món ăn truyền thống và phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không chỉ ở Bình Định mà còn rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thị xã An Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, bánh tráng được sản xuất chủ yếu là thủ công, một số cơ sở có đầu tư máy nhưng còn sử dụng chất đốt, sản phẩm làm ra hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy được điều đó, cùng với những ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu nay, cô giáo trẻ Đoàn Thị Xim đã mạnh dạn quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy, vừa cải thiện kinh tế gia đình, vừa giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Thanh niên dám nghĩ, dám làm

Nghĩ là làm, với số vốn tự có ban đầu là 100 triệu đồng, cộng với những nguồn vận động khác của gia đình và người thân, chị đã xây dựng được nhà xưởng trên diện tích 210,5m2 và mua một số máy móc, trang thiết bị cần thiết. Chị Xim chia sẻ: “Ban đầu, nhà xưởng đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn, do tôi chưa có kinh nghiệm trong việc vận hành máy móc, chưa cân đối được lượng bột, sản phẩm làm ra chưa có nhiều nơi để tiêu thụ”. Chị cũng chia sẻ rằng, “Vạn sự khởi đầu nan”, có lúc chị đã nản chí, nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, người thân, chị đã tìm tòi, nghiên cứu qua báo chí, mạng internet và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình khác để khắc phục những khó khăn, đưa sản phẩm của chị đến với thị trường tiêu thụ.

Vượt qua được khởi đầu khó khăn, cơ sở sản xuất bánh tráng của chị bắt đầu đi vào hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, lúc này chị lại nhận thấy máy móc, nguyên liệu và trang thiết bị của cơ sở chị còn hạn chế, cần phải nhập thêm, mua thêm máy để mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn, nhưng nguồn vốn của chị không cho phép. Nhờ bạn bè, người quen giới thiệu, chị đã tìm đến tổ chức Đoàn tại địa phương và được giới thiệu vay nguồn vốn Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn với số vốn 150 triệu đồng. Có được nguồn vốn, chị bắt tay ngay vào việc nhập thêm máy móc và các thiết bị cần thiết khác. Chị chia sẻ thêm: “Hiện nay cơ sở của tôi đã có đầy đủ các loại máy móc, phương tiện phục vụ cho sản xuất bánh tráng như: máy làm bánh, máy xay bột, máy cắt bánh, xe đẩy phơi bánh, máy hút chân không, phên phơi bánh…; giải quyết việc làm cho 05 lao động tại địa phương. Tôi rất cảm ơn Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện để tôi có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở của mình, tôi hứa sẽ làm tốt hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên và sẽ có nhiều đóng góp cho tổ chức Đoàn, Hội và địa phương”.

Hiệu quả khả quan bước đầu triển khai

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong những ngày đầu mới thực hiện, nhưng với tinh thần chịu khó, cùng với quyết tâm duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống của gia đình, chị Xim đã có khởi đầu thành công với cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy của mình. Với thị trường tiêu thụ chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh tạp hóa, các chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, các siêu thị, sản phẩm bánh tráng của chị đã có sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại lợi nhuận ban đầu là 16,2 triệu đồng/tháng.

Thành công bước đầu của cơ sở đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề làm bánh tráng truyền thống, vận dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sản xuất, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu sử dụng lao động thủ công, đồng thời giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho thanh niên, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương mình. Ngoài việc sản xuất kinh doanh, chị Xim là một giáo viên trẻ nhiệt huyết với công tác Đoàn, Hội, thường xuyên tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội; góp phần xây dựng phong trào Đoàn, Hội tại địa phương ngày càng vững mạnh.

Ban Phong trào Tỉnh đoàn

Trả lời