Tuổi trẻ Tây Sơn với phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”

Gương, mô hình tiêu biểu Hoạt động cấp cơ sở Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp Tài năng trẻ Tin tốt, chuyện đẹp

Huyện đoàn Tây Sơn có 28 đơn vị trực thuộc gồm: 15 xã, thị trấn, 04 Đoàn trường, 03 Đoàn cơ sở, 6 chi đoàn trực thuộc. Tổng số thanh niên: 10.182 người; tổng số đoàn viên 7.563 người. Phong trào “đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên. Qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Qua đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh hướng tới xây dựng quê hương Tây Sơn ngày càng giàu đẹp.
Nối tiếp thành công, hiện nay tuổi trẻ Tây Sơn xác định công tác hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên bám trụ phát triển kinh tế tại địa phương, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đoàn viên, thanh niên nông thôn là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp. Để thực hiện tốt phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn – Hội chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của đoàn viên, thanh niên để từ đó chủ động tư vấn, định hướng cho ĐVTN. Qua thực tế cho thấy đoàn viên thanh niên còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất kinh doanh… Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn – Hội huyện Tây Sơn triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị: đã chủ động phối hợp xây dựng môi trường học đường lành mạnh, cổ vũ động viên, hỗ trợ thanh thiếu nhi học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; nhân rộng các mô hình sân chơi trí tuệ, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập. Thực hiện có hiệu quả chương trình “Khi tôi 18” trong học sinh trung học phổ thông. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn – Hội trong công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường, hướng dẫn thanh niên vay vốn học tập sau giáo dục phổ thông. Xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ thanh niên là người dân tộc thiểu số, thanh niên công nhân, thanh niên lao động tự do, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên lầm lỡ để họ có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp; tiếp tục thành lập và phát huy vai trò của các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm trong giúp đỡ thanh niên lập nghiệp; tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ thanh niên xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Nắm bắt thông tin thị trường lao động và nhu cầu việc làm của thanh niên; tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa thanh niên với người sử dụng lao động và các doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Đưa việc làm về cơ sở” thông qua phối hợp tổ chức các điểm “Ngày hội việc làm”, “Hội chợ việc làm”, “Sàn giao dịch việc làm”; Phối hợp với TT dạy nghề Tây Sơn tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề tại chỗ, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội, phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong thanh niên; tổ chức các hội thi tay nghề, thợ giỏi. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về vai trò của kỹ năng xã hội; tổ chức các lớp huấn luyện, các trại huấn luyện kỹ năng xã hội cho thanh niên. Tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên tham gia các chương trình “Học kỳ trong quân đội”, “Trải nghiệm quân ngũ”, “Học làm người có ích” do Đoàn thanh niên thực hiện.
Ngoài ra, trong những năm qua Huyện đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi như: vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) của Trung ương Đoàn. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Sơn hỗ trợ hoạt động vay vốn ủy thác cho thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương. Đến nay đã có 14/15 xã, thị trấn ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tổng dư nợ vốn vay ủy thác của tổ chức Đoàn các cấp đến nay hơn 45 tỷ đồng với 31 tổ tiết kiệm vay vốn và 1088 hộ vay, các dự án, vốn vay đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên con đường lập nghiệp; Phối hợp giải ngân nguồn vốn của Quỹ thanh niên lập nghiệp Bình Định với số tiền 200 triệu đồng cho 01 thanh niên ở xã Bình Thuận. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo cơ hội giúp đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Hội LHTNVN huyện đã chỉ đạo cơ sở Hội xã, thị trấn vận động hội viên thanh niên thành lập các Câu lạc bộ như Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” qua triển khai thực hiện các cơ sở Hội đã thành lập 27 Câu lạc bộ. Bằng tinh thần học hỏi và sự sáng tạo, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Tây Sơn đã áp dụng thành công các mô hình sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống cho gia đình và bản thân. Để có được thành công đó, phải kể đến sự định hướng, đồng hành, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn vay của tổ chức Đoàn – Hội tại địa phương: Thanh niên Trần Quốc Hiệp, Bí thư Chi đoàn thôn Nam Giang (xã Tây Giang) quyết định từ bỏ công việc lái xe tại TP Hồ Chí Minh để về quê lập nghiệp. Được tham gia các lớp tập huấn do Đoàn – Hội phối hợp tổ chức, anh bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi vịt thương phẩm. Vài trăm con rồi đến vài nghìn con, quy mô chăn nuôi ngày một tăng lên. Hiện nay, trung bình mỗi tháng đồng chí Hiệp xuất bán khoảng 2.000 con vịt thịt. Trừ hết chi phí lời khoảng vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, đồng chí Hiệp còn được Hội LHTN Việt Nam huyện giới thiệu anh với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chình đồng. Đồng chí Hiệp, chia sẻ: “Sau mấy lứa cá xuất bán, tôi đã lấy lại tiền vốn hơn 15 triệu đồng đầu tư ban đầu. Đàn cá đang phát triển tốt, giờ chỉ có việc thu lời thôi. Tôi nghĩ, nếu tổ chức Đoàn – Hội hỗ trợ thanh niên xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả sẽ hạn chế được nhiều tình trạng TN rời địa phương đi làm ăn xa”.
Lập nghiệp thành công ngay tại quê hương cũng là câu chuyện của thanh niên Nguyễn Trường Hoàn (Thôn Ðồng Xiêm, xã Tây Xuân). Thông qua sự hỗ trợ, định hướng của tổ chức Đoàn – Hội, đồng chí Hoàn đã mạnh dạn đầu tư và có lợi nhuận khá cao từ việc trồng hơn 700 gốc quýt đường. với khoảng đất 1,5 ha. Mỗi vụ thu hoạch (1 vụ chính và 1 vụ phụ) thu ít nhất 20 tấn, trừ chi phí lời hơn 100 triệu đồng. Tại xã Tây Phú, thanh niên Đinh Hữu Thắng (thôn Phú Thịnh) vay 30 triệu qua kênh của Đoàn Thanh niên đã mở cơ sở may gia công tại nhà. Hiện nay, nguồn hàng của cơ sở rất ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho cho hàng chục lao động là thanh niên địa phương.
Đó chỉ là một số ít mô hình đơn cử. Hiện nay còn rất nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế có hiệu quả trên địa bàn huyện như: trồng hoa cúc (Bình Thành, Bình Hòa); Mô hình chăn nuôi bò (Bình Nghi, Tây Vinh; Tây Bình); trang trại nuôi heo thịt, heo rừng (Tây Thuận, Bình Tường, Bình Hòa); trang trại chăn nuôi gà (Tây Thuận, Tây An); mô hình bưởi da xanh (Bình Tường); mô hình trồng thanh long ruột đỏ (Tây Giang); mô hình trồng dưa lưới (Bình Tân), mô hình chăn nuôi thỏ lấy thịt và nuôi thỏ giống của thanh niên Dương Tấn Trung ở thôn Thủ Thiện Thượng – Bình Nghi, mô hình trồng rau sạch của thanh niên Nguyễn Văn Tỏ khối Thuạn Nghĩa – Thị trấn Phú Phong,…
Qua các mô hình, các câu lạc bộ đã giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho thanh niên, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương mình qua đó giúp cho các cấp bộ Đoàn – Hội trên địa bàn huyện làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, vận động hội đoàn viên tham gia vào tổ chức.
Nhận thấy Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những hoạt động vô cùng hữu ích, thiết thực đối với thanh niên tại địa phương, do đó trong thời gian đến Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn trong đó chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ KHKT, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế đến đông đảo đoàn viên thanh niên tại địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn – Hội trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Nữ Sinh -Huyện đoàn Tây Sơn

Trả lời