Lê Hồng Linh – Bí thư chi đoàn đam mê nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp

mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp
Anh Lê Hồng Linh – Tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con nhân dân

Là một Bí thư Chi đoàn năng nổ và nhiệt tình của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, anh Lê Hồng Linh là một trong số ít thanh niên được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho những thanh niên tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Tham gia công tác từ năm 2012 tại Phòng Công nghệ vi sinh vật với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực về Công nghệ vi sinh vật, anh cùng với các cộng sự đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và luôn say mê nghiên cứu các ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về vi sinh vào sản xuất và đời sống. Sau gần 5 năm công tác, anh đã trực tiếp tham gia 02 dự án cấp nhà nước, 03 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, đặc biệt là các dự án nghiên cứu về ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án đạt được hiệu quả và tính ứng dụng cao trong trồng trọt, tiêu biểu như: Dự án “Sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật đối kháng phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây Hồ tiêu, cây Kiệu tại Bình Định”, bản thân anh Linh đã tham gia sản xuất chế phẩm, trực tiếp tập huấn kỹ thuật cho 20 hộ gia đình trồng hồ tiêu, theo dõi 02 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây hồ tiêu tại huyện Hoài Ân. Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh đã giúp hạn chế trên 95% bệnh thối cổ rễ, tăng lợi nhuận so với mô hình không sử dụng chế phẩm là 208,56 triệu đồng/ha. Không chỉ nghiên cứu trên ứng dụng cây hồ tiêu, anh còn nghiên cứu và tham gia tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây Kiệu tại huyện Phù Mỹ – Một trong những loại cây gia vị đặc trưng tại Bình Định. Mô hình đã giúp hạn chế trên 82% bệnh thối cổ rễ, tăng lợi nhuận 19,2 triệu đồng/ha so với việc không sử dụng chế phẩm.

Sau thành công của dự án sản xuất chế phẩm vi sinh phòng ngừa bệnh thối cổ rể trên cây Hồ tiêu và cây Kiệu, anh tiếp tục tham gia sản xuất chế phẩm tại phòng thí nghiệm, trực tiếp tập huấn kỹ thuật sản xuất chế phẩm nấm ký sinh để quản lý rầy nâu hại lúa cho 07 hộ thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong suốt quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, anh và nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 700 kg chế phẩm tại nông hộ, với lượng chế phẩm này đã phòng tránh được rầy nâu cho khoảng 70 ha lúa, với hiệu quả phòng trừ trên 80% góp phần hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất lúa, tạo sản phẩm gạo sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và không làm ảnh hưởng đến môi trường. Đây thật sự là một trong những nghiên cứu hữu dụng và là mong muốn của rất nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài nghiên cứu các ứng dụng trên lĩnh vực trồng trọt, anh Linh còn tham gia Đề tài “Nghiên cứu sản xuất men rượu phục vụ sản xuất rượu đặc sản tại các làng nghề truyền thống của Bình Định” và Đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; rác thải sinh hoạt và chăn nuôi”. Các Đề tài nghiên cứu của anh đã góp phần tạo ra sản phẩm rượu an toàn với người sử dụng, đồng thời bảo vệ thương hiệu rượu đặc sản tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định, bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, rác thải sinh hoạt và rác thải chăn nuôi góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi, đồng thời tạo ra lượng phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải để sử dụng trong trồng trọt, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Trao đổi với anh về đề tài khiến anh dành nhiều tâm huyết đầu tư nghiên cứu và cảm thấy tâm đắc nhất, anh Linh chia sẻ: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất nông nghiệp luôn là đam mê cháy bỏng trong tôi, vì vậy, dù tham gia bất cứ đề tài nào tôi luôn dùng tất cả tâm huyết của mình để nghiên cứu thành công, tuy nhiên với dự án Sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật đối kháng phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây hồ tiêu, cây kiệu tại Bình Định anh lại cảm thấy tâm đắc nhất, vì cây Hồ tiêu, cây Kiệu là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân trong tỉnh, việc sản xuất thành công chế phẩm vi sinh vật ngăn chặn bệnh thối cổ rễ nói riêng và sự thành công của dự án nói chung là việc làm hết sức ý nghĩa, đã giúp cho nhiều hộ dân trồng Hồ tiêu, cây Kiệu ngăn chặn được căn bệnh “lâu nay khó chữa” của loại cây trồng mang nhiều giá trị này”.
Với những đóng góp trong việc nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mới đây, anh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2017 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Giải thưởng là phẩn thưởng cao quý hằng năm được trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ban Phong trào Tỉnh đoàn

Trả lời