Mô hình trồng rau an toàn của nữ Phó Bí thư Đoàn xã Phước Nghĩa.

Gương, mô hình tiêu biểu
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất với đầy những gian khổ và cực nhọc, chị Trương Thị Tuân đã thấm thía được nỗi cơ cực của những người dân quê chị, quanh năm chỉ biết “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng với ý chí và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm làm giàu tại chính mảnh đất quê hương, chị Trương Thị Tuân- Phó Bí thư Đoàn xã Phước Nghĩa đã gây dựng thành công mô hình trồng rau an toàn, cho thu nhập khá.
Về xóm Hương Sơn thuộc thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, khi nhắc đến Phó Bí thư Đoàn xã Phước Nghĩa, người dân nơi đây ai cũng biết. Bởi chị vừa là một người cán bộ đoàn năng nổ và cũng là một thanh niên ở địa phương thực hiện mô hình trồng rau an toàn có thu nhập đáng kể. 

 Với diện tích đất vườn nhà trên 2.500m2, những năm trước, vườn nhà chị chỉ trồng các loại đậu, mè, , …. do gặp khó khăn về nguồn nước tưới nên thu nhập từ các loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, đất vườn lại rộng mênh mông nhưng không khai thác hết, từ suy nghĩ đó, chị đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mặc dù không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian đầu, chị Trương Thị Tuân phải tự tìm hiểu các tài liệu về nông nghiệp qua các sách, báo, tham gia các lớp tập huấn thanh niên làm nông nghiệp của xã, hay huyện đoàn. Năm 2015, chị đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu để đào một giếng khoan, bắt tay vào cải tạo đất và gieo hạt các loại rau như rau muống, rau dền, cải, khổ qua, dưa leo, …..
Với phương thức sản xuất rau an toàn, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rau trái mùa che phủ nilon, sản xuất rau quả trong nhà lưới, sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phòng trừ dịch bệnh…nhờ vậy không chỉ khi thu hoạch luôn đạt năng suất cao và an toàn cho người tiêu dùng.

 Bình quân mỗi ngày, vườn nhà chị cho thu hoạch từ 300-400 bó đủ các loại rau, với giá bán từ 1.000-1.500đồng/bó, rau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng chị thu được khoảng 5 triệu đồng. Tuy đây không phải là thu nhập cao nhưng cũng đã góp phần làm tăng giá trị kinh tế trên chính mảnh đất quê mình. Bên cạnh trồng rau, chị Tuân còn nuôi heo nái sinh sản, nuôi bò vỗ béo, …..  nhằm kiếm thêm thu nhập. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tuân còn là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, chị sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho những thanh niên ở địa phương cùng vươn lên thoát nghèo. Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp, chị Trương Thị Tuân đã được nhận nhiều giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.

 Mô hình trồng rau an toàn của chị Trương Thị Tuân tuy chưa phải là mô hình kinh tế lớn, nhưng nó cũng đã góp phần làm tăng thu nhập đáng kể cho gia đình chị, giúp chị vượt qua được những thời điểm chật vật về kinh tế. Mô hình là điểm sáng cho các thanh niên ở địa phương học tập kinh nghiệm, phát huy thế mạnh sẵn có, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng xã Phước Nghĩa ngày càng giàu đẹp./.
 

Trả lời