Quy Nhơn: Tổ chức Phiên tòa giả định với chủ đề “Trốn tránh nghĩa vụ Quân sự”

Hoạt động cấp huyện Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chấp hành pháp luật và việc thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự trong quần chúng nhân dân và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Tối ngày 05/01/2023, Thành đoàn Quy Nhơn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Quy Nhơn tổ chức Phiên tòa giả định với chuyên đề xét xử vụ án hình sự “Trốn tránh nghĩa vụ Quân sự” tại Hội trường Ủy ban nhân dân phường Bùi Thị Xuân. Tham dự phiên tòa có lãnh đạo các cơ quan, ban ngành thành phố và hơn 150 đoàn viên, thanh niên địa phương.

Theo cáo trạng giả định của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quy Nhơn, bị cáo Phạm Tiến Ngọc trong vụ án là người được lệnh tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên với lý do ngại khó, ngại khổ, sợ người yêu chia tay cùng với sự thiếu hiểu biết về ý thức chấp hành pháp luật nên đã cố ý trốn tránh việc chấp hành nghĩa vụ quân sự.

Ngày 15/01/2021, bị cáo Phạm Tiến Ngọc nhận được lệnh gọi công dân nhập ngũ của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố để thực hiện Nghĩa vụ Quân sự nhưng không chấp hành. Đến ngày 16/3/2021, bị cáo Ngọc bị UBND phường Bùi Thị Xuân xử phạt hành chính 2.000.000 đồng. Ngày 16/02/2022, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố giao lệnh gọi công dân nhập ngũ lần 2 cho Nguyễn Tiến Ngọc. Tuy nhiên, Ngọc đã bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh không có mặt theo lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Ngày 21/12/2022, Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Phạm Tiến Ngọc bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quy Nhơn truy tố về tội “Trốn tránh nghĩa vụ Quân sự”. Qua các bước tố tụng, bị cáo Phạm Tiến Ngọc tại phiên tòa giả định bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 18 tháng tù về tội “Trốn tránh nghĩa vụ Quân sự”.

Phiên tòa diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Phần phát biểu luận tội của Kiểm sát biên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã giúp cán bạn đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.

Phiên tòa giải định với hình thức tuyên truyền trực quan, sinh đội đã thu hút đoàn viên, thanh niên chăm chú theo dõi. Qua đó lồng ghép những nội dung tuyên truyền “Một số nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 và Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ”. Những nội dung tuyên truyền để đoàn viên thanh niên thấy được hậu quả của việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền thông qua hình thức phiên tòa giả định xét xử lưu động như trên là một trong những biện pháp hiệu quả tích cực và thiết thực.

Vi Vi

Trả lời