Tiếp sức đến trường vì một tương lai tươi sáng

Tin tức 2017
Mơ ước được học hành là niềm mơ ước bình dị nhưng không phải mọi học sinh đều có được. Dọc suốt chiều dài đất nước nói chung, còn rất nhiều cảnh trẻ em phải sớm vào đời kiếm sống, hoặc sống cảnh nghèo khó, vất vả, hoặc gia đình ly tán, thiếu thốn tình cảm, vật chất. Và, đâu đó trên đất Bình Định nói riêng này vẫn còn lắm những mảnh đời cơ cực như thế, thậm chí là những em học sinh đã phải vừa nỗ lực học tập, vừa nỗ lực mưu sinh nhưng có khi còn phải đối diện với những biến cố của cuộc đời, tưởng chừng những nghịch cảnh trớ trêu ấy có thể làm gục ngã các em bất cứ lúc nào, nhưng cũng trong những ngày khó khăn đến cùng cực ấy các em vẫn không chùn bước mà vẫn cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực của mình để có được kết quả học tập, thi cử tốt nhất. Vui chưa trọn vẹn, các em lại phải đối diện với biết bao nhiêu nỗi lo lắng trong những ngày xa nhà đi học, có em tưởng chừng phải gác lại ước mơ, hoài bão của mình.
Hàng năm, vào dịp cận kề mùa tựu trường là biết bao câu chuyện xúc động của các tân sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi phải ngậm ngùi từ bỏ ước mơ khi gia đình quá khó khăn. Hiểu được điều đó, trong năm qua Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ trao tặng nhiều suất học bổng nhằm giúp cho các em có nghị lực tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão của mình. Cụ thể hơn, trong dịp khai giảng chào mừng năm học mới vừa qua, Tỉnh đoàn đã trao tặng 50 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” trị giá hơn 55 triệu đồng cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường”, qua đó đã trao 120 suất học bổng cho các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (7.000.000đ/suất), với tổng kinh phí là 840 triệu đồng.

Những suất học bổng được trao tặng là những hoàn cảnh, những số phận vô cùng khó khăn, giá trị của mỗi phần học bổng tuy không thể giúp các em quẳng đi những lo toan, cơm áo gạo tiền trong những ngày xa nhà đi học nhưng ít ra là không để những em phải rứt ruột gác lại những ước mơ, xây dựng tương lai của đời mình từ việc lập nghiệp bằng tri thức, nâng bước cho các em có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học tập, vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.

Câu chuyện của các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khao khát đến trường lại lay động lòng người vào mỗi mùa tuyển sinh năm học mới, biết bao câu chuyện trớ trêu về nghịch cảnh, về số phận, về khát khao đã làm cho nhiều người không cầm được nước mắt, điển hình là câu chuyện của em Nguyễn Quốc Cường (xã Phước Thanh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) tân sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được biết Em là đứa con trai út trong một gia đình có bảy anh chị em. Tuy vậy, cả anh hai và chị ba đều phải qua đời sớm vì những căn bệnh nặng do không có tiền để chữa bệnh. Trong nhà còn lại ba mẹ, bốn chị lớn và em. Lập thân lập nghiệp chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông, nay được mai mất nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mỗi khi mấy chị em tới kỳ đóng học phí ba mẹ lại không đủ tiền để lo cho tất cả chị em cùng một lúc. Hằng ngày, ba mẹ lại bận rộn với công việc đồng áng. Khi rảnh rỗi ba mẹ lại cấy thêm đám rau nhỏ và nuôi con gà, con lợn để mong kiếm tiền nuôi em và mấy anh chị được đến trường. Riêng bản thân em, suốt 12 năm học luôn đạt những kết quả cao trong học tập. Bản thân em mắc căn bệnh tim bẩm sinh, nhiều đêm em khóc, buồn vì tủi cho số phận của bản thân, phần lại lo và thương cho ba mẹ. Theo lời chỉ định của Bác sĩ em phải tiến hành xạ trị 35 tia, mỗi tuần 5 tia, mỗi tia trị giá 800.000 nghìn đồng và mỗi tuần ba mẹ em phải bỏ ra số tiền gần 5 triệu để lo cho em. Dù biết rằng bản thân em có nhiều khuyết điểm về sức khỏe và hoàn cảnh nhưng em vẫn luôn cố gắng và phấn đấu học tập và đạt được số điểm 23,25 trong kỳ thi THPT quốc qia vừa qua.

Tương tự, hoàn cảnh của em Đỗ Thị Thu Liễu (Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tân sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng xót xa không kém, gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Ba bị bệnh hiểm nghèo qua đời khi em còn nhỏ, bỏ lại mình mẹ nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Đau đớn thay, đứa em trai cũng vĩnh viễn ra đi, vì cứu bạn khỏi đuối nước được Chủ tịch nước truy tặng Huân Chương Dũng Cảm. Gia đình em hoàn toàn suy sụp. Thương mẹ, em đã cố gắng vượt lên nghịch cảnh để tiếp tục sống và học tập, và là chỗ dựa tinh thần giúp mẹ.

Xúc động hơn, là hoàn cảnh của em Kiều Quốc Nhật (Thôn Vạn Phước Tây, Mỹ Hiệp, Phù Mỹ, Bình Định) tân sinh viên trường Đại học Quy Nhơn. Khi lên lớp 5, em bị ô tô tông nát chân phải buộc em phải nghỉ học, gắn hai năm liền với bệnh viện và trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật để không phải cưa mất cái chân. Cha mẹ em phải bán mọi tài sản có được, vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho em. Chân vừa lành, Nhật đã nằng nặc xin đi học lại và lao vào sách vở, học vượt lớp. Nhật đỗ đại học thì gia đình tiếp tục đối mặt với khó khăn vì món nợ lớn chữa thương cho em chưa trả xong, cha mẹ lại phải vay mượn để cho em tiếp tục con đường đại học của mình… Tuy cuộc sống gặp nhiều trắc trở nhưng em vẫn cố gắng vươn lên, trong suốt quá trình học tập em đã đạt được thành tích cao, và trở thành một trong hai học sinh tiêu biểu của trường được giới thiệu đi học lớp “Cảm tình Đảng” và đã trở thành Đảng viên dự bị.
Từ những câu chuyện thực tế trên, học bổng Tiếp sức đến trường mà Tỉnh đoàn trao tặng đã kịp thời khoác chiếc áo sinh viên cho nhiều cô cậu học trò nghèo khó, trao cho họ một ước mơ và gửi gắm cho họ một sự kỳ vọng. “Tiếp sức đến trường” – chính là tiếp sức những nghị lực vượt khó vươn lên tuyệt vời từ những người trẻ. Chính các em đã mang đến cuộc đời này những câu chuyện lung linh, làm lay động lòng người, củng cố thêm niềm tin vào một thế hệ trẻ đầy bản lĩnh. Và như thế, các em xứng đáng được tôn vinh
, được hỗ trợ để niềm tin ấy trở nên có cơ sở và vững chãi hơn.

Tỉnh đoàn mong rằng sự tiếp sức này sẽ là nguồn động viên giúp các em duy trì việc tiếp tục đến trường, được chạm đến ước mơ hoài bão của mình để trở thành những công dân hữu ích cho gia đình và xã hội. 

Trả lời