Xả thân cứu người trong lũ dữ

Tin tức 2017
Trong những ngày chống chọi với trận lũ lịch sử xảy ra tại Bình Định, nhiều cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên trực chiến ở các điểm nóng cứu trợ lúc nước lũ dâng cao, giúp dân dọn dẹp lại sau lũ, làm ấm lòng người dân.

Năm ngày sau cơn lũ dữ đi qua, ở trụ sở UBND xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định), nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên của xã dù nhà cửa của mình cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nhưng vẫn tiếp tục trực tại xã để đóng gói, phát quà cứu trợ cho dân.

“Cả tuần nay rồi chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi, nước lũ về làm bà con mất nhiều quá nên anh em bỏ hết nhà cửa ra xã phụ phát quà, rồi huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp nhà cửa” – phó bí thư Đoàn xã Phước Nghĩa Trương Thị Tuân vừa đứng phát quà, vừa nói nhanh.

“Nhà dân lo trước, nhà mình dọn dẹp sau”

Bạn Tuân cho biết trong những ngày lũ về, lực lượng cán bộ Đoàn được phân công nhiệm vụ trực xã, sẵn sàng lên đường tham gia cứu dân khi bị nước lũ cô lập, từng cán bộ được phân công theo dõi ở địa bàn xã mình. Từ ngày 17-12 khi nước lũ vừa rút đi, các trường học, nhà dân xơ xác, bùn non bám khắp nơi.

Ở Trường mầm non xã Phước Nghĩa, lũ quét qua đã khiến bàn ghế, sân trường nhão nhoẹt bùn đất. Trong khi đó sáng thứ hai đầu tuần, các nhóm trẻ trở lại lớp. Trước tình thế này, Đảng ủy xã Phước Nghĩa đã yêu cầu Đoàn xã huy động các bạn trẻ dọn dẹp, bằng mọi cách giúp trường lớp trở lại bình thường.

Ngay trong ngày, đoàn viên xã Phước Nghĩa được huy động về trường. Mỗi người một việc, người gánh nước, người mang cào cuốc, chổi quét dọn lớp bùn non ở sân trường, cọ rửa bàn ghế, trang thiết bị dạy học bê bết bùn. Tranh thủ cả buổi trưa cho tới cuối ngày, ngôi trường mầm non của xã đã sạch sẽ, khang trang trở lại.

 

Đêm rạng sáng khi nước lũ về bao vây làng, ngôi nhà của bà Tạ Thị Lành, thôn Hưng Nghĩa bị nước ngập quá nửa tường. Bà Lành sống một mình, 98 tuổi nên tình thế hết sức cấp bách.

Cán bộ Đoàn xã cùng bí thư Đảng ủy xã dùng ghe nhỏ tiếp cận, trực tiếp cõng bà Lành lên một ngôi chùa ở vị trí thoát lũ để gửi, chăm sóc. Những ngày trong lũ bà Lành được các sư sãi nuôi cơm, chăm sóc, đoàn viên thanh niên xã lui tới hỏi thăm, dọn dẹp nhà cửa.

Nước đã rút nhiều nhưng còn hàng trăm hộ dân vẫn bị nước bao vây, ba bốn ngày phải đứng trên mái nhà để nhận lương khô, nuốt mì gói. Tỉnh đoàn Bình Định cùng Huyện đoàn Tuy Phước đã quyết định đưa cơm tiếp tế cấp tốc cho dân Phước Nghĩa bị cô lập.

Trong buổi sáng hôm ấy, giữa mênh mông dòng nước, nhà cửa ngổn ngang, các xuồng ghe của đoàn viên luồn sâu vào từng xóm nhỏ để đưa cơm hộp. Nhiều ngày phải ăn mì gói, có cơm ăn nhiều người đã bật khóc.

Chị Trương Thị Tuân bảo mấy hôm nay anh em cán bộ Đoàn chỉ được về ban đêm. Nhà cửa ai cũng ngập ngụa, hư hại nhưng công việc giúp dân vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên.

Cứu dân trong nước xiết

Những ngày có mặt ở tâm lũ cùng lực lượng cứu hộ thuộc các đơn vị Công an tỉnh Bình Định, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, các đơn vị thuộc Quân khu 5… đóng chân ở Bình Định và Gia Lai, chúng tôi được chứng kiến những câu chuyện xúc động về sự cưu mang, đùm bọc, quên mình giúp dân lúc hoạn nạn trong đợt lũ lịch sử của các cán bộ chiến sĩ trẻ.

Đại úy Đào Văn Thọ – trợ lý tác huấn Ban tác huấn (Phòng tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định) – cho biết gần một tuần nay anh em cán bộ trong đội phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn của Tỉnh đội trực cứu hộ 24/24 giờ.

Thiếu tá Phạm Hữu Nam – cán bộ đội tìm kiếm cứu nạn – cho biết từ đêm 14-12 khi nước lũ lên nhanh, tràn vào các khu dân cư, hai xuồng cứu hộ do đại úy Thọ chỉ huy đã tức tốc lên đường, neo bám ở cảng cá Quy Nhơn.

Đây là hai xuồng lớn, chủ lực đảm nhận nhiệm vụ cứu hộ, vận chuyển quân nhu, lương thực tiếp tế cho dân vùng cô lập ở vùng lũ Tuy Phước, An Nhơn. Sáng 15-12, khi nước từ thượng nguồn tràn về ngập các cánh đồng, nhận được thông tin từ Bộ chỉ huy về việc hàng trăm hộ dân ở thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị nước lũ bao vây cô lập, người dân phải đu bám trên nóc nhà chờ tiếp tế, hai xuồng máy của bộ đội tức tốc lên đường.

“Lúc tới nơi thì rất đông người dân ngồi trên nóc nhà vẫy tay xin ứng cứu, trong đó có nhiều trẻ em và người già. Xuồng chúng tôi cõng nặng mì gói, lương khô, máy lớn nên không thể tiếp cận được.

Chứng kiến cảnh đó, anh em ai cũng sốt ruột, muốn lao vào cứu dân nhưng đành phải cho neo xuồng ở xa rồi dùng thuyền nhỏ hơn tiếp cận từng người dân. Thấy bộ đội tới, nhiều người ôm thùng mì gói rồi bóc ra nhai ngấu nghiến, nhiều người già òa khóc vì nhiều giờ đói, đứng giữa mưa lạnh” – đại úy Thọ nói.

Ở các hướng khác, xuồng máy, bộ đội có mặt ở tất cả điểm nóng để sẵn sàng ứng cứu dân. Trong những ngày mưa lũ đã có hai ca sinh đẻ hi hữu được bộ đội thuộc Huyện đội Tuy Phước, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tham gia ứng cứu và đỡ đẻ thành công.

Xúc động hơn, sáng 15-12 khi đưa xuồng máy tiếp cận một ngôi làng có dân bị cô lập phía trên khu vực cầu Bà Di (thị xã An Nhơn), nhận thấy nhiều người dân cần được đưa ra sơ cứu khẩn cấp, các chiến sĩ trẻ đã quyết định xuống khỏi canô, đu bám vào ngọn cây để nhường xuồng máy chở dân ra nơi an toàn. Sau khi dân được đưa ra hết, các chiến sĩ mới lên thuyền để về khu vực đóng chốt.

Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Vĩnh – bí thư Tỉnh đoàn Bình Định – cho biết đã tung lực lượng trên 1.000 cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên ra quân giúp dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.
 


ĐVTN tham gia nạo vét kênh mương nội đồng tại xã Bình Tân huyện Tây Sơn

Hiện nay ở các địa phương, các bạn đang cùng dân dọn vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường phố, khu vực bị ngập úng; xử lý nguồn nước, bảo đảm cung cấp kịp thời nước sạch.

Hiện Tỉnh đoàn đã nhận gần 4 tỉ đồng của cá
c tổ chức cá nhân giúp đỡ các hộ gia đình, nhận đỡ đầu các học sinh có cha mẹ mất sau đợt mưa lũ.

Trả lời