Với đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo, anh Nguyễn Mạnh Cường (1994) trú tại thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão đã thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp từ nghề chạm khắc gỗ. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, không như những thanh niên khác muốn rời quê hương vào Nam lập nghiệp mà anh Cường chọn cho mình một hướng đi riêng đó là theo đuổi nghề chạm khắc gỗ.
Nghề này nói khó không khó, nói dễ không dễ, người có năng khiếu sẽ học nhanh hơn, còn người “tay ngang”, quan trọng nhất là phải kiên trì. Chỉ khi kiên trì, người học mới không chán, học từ các bước cơ bản đến nâng cao, làm lần đầu chưa được tiếp tục làm lần nữa. Cứ như vậy, khi có hứng thú sẽ chắp cánh sáng tạo, thực hiện nhiều mẫu mã, đường nét chạm khắc trên gỗ tinh xảo hơn. Lúc này, người học nghề coi như thạo việc, có thể đi làm công nhân tại cơ sở trong và ngoài địa phương, hoặc làm thêm vài năm tích lũy kinh nghiệm, vốn để mở cơ sở cho riêng mình. Ngay cả bản thân anh Cường cũng vậy, 3 năm đầu học nghề là khoảng thời gian làm không lấy lương cho cơ sở, nên anh rất dễ chán nản, đôi lần muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ được gia đình động viên, anh tiếp tục theo đuổi nghề, không ngừng cố gắng để học tập, trau dồi tay nghề của mình. Những ngày đi làm thuê, anh Cường ấp ủ ước mơ có được xưởng chạm khắc gỗ riêng cho mình. Vậy rồi, sau hơn 03 năm làm thuê tích cóp, năm 2018 anh quyết định mở cơ sở chạm khắc gỗ tại nhà với diện tích gần 300m2, tự tin nhận gia công sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. “Lúc đầu, do mới mở cơ sở, thấy máy móc chạm khắc, tôi ham lắm, nhưng chưa có nhiều vốn đầu tư. Bởi vậy, tất cả công đoạn chủ yếu làm bằng tay. Để hoàn thành 1 sản phẩm tốn nhiều thời gian, công sức, giá cả cũng khó cạnh tranh hơn” – anh Cường chia sẻ.
Khi mở cơ sở chạm khắc gỗ, anh Cường chủ động kết nối với thợ mộc, thợ sơn… để có thể nhận các sản phẩm chạm khắc nội thất trong gia đình. Làm ăn thiệt tình, tay nghề chạm khắc đẹp, luôn có ý tưởng mới, độc đáo để tư vấn khách hàng, nên chỉ sau thời gian, cơ sở của anh Cường được biết đến, mối cũ, khách mới bắt đầu liên hệ nhiều hơn. Khách hàng tăng, khối lượng sản phẩm phải giao nhiều hơn. Anh Cường quyết định đầu tư máy chạm phẳng. Từ 1 máy, anh đầu tư thêm 2 máy, giờ cơ sở đã có được 3 máy chạm phẳng, đáp ứng nhu cầu, thời gian giao hàng cho khách. “Máy chạm khắc trên 300 triệu đồng, tôi quyết định đi vay, mượn thêm để mạnh dạn đầu tư phát triển. Thời buổi này, thị trường rất cần sản phẩm đẹp, chất lượng, mà lại nhanh. Chỉ có khi đầu tư máy móc cùng với tay nghề thợ sẵn có, sản phẩm sẽ đầy đủ độ tỉ mỉ, chuyên nghiệp, khách hàng mới hài lòng. Tôi tự làm “tròn vai” ở mọi khâu, vừa thiết kế sản phẩm trên máy vi tính, vừa là người thợ mộc ráp sản phẩm hoàn thiện, vừa là thợ sửa chữa máy móc khi có trục trặc, vừa là nhân viên maketting giới thiệu thị trường cho mọi người…” – anh Cường bày tỏ.
Hơn 07 năm theo nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, anh Cường luôn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đa dạng, độc đáo, đặc sắc, với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Các dòng sản phẩm chính của cơ sở chạm khắc của anh chủ yếu là bàn ghế, cửa nhà nội thất, tranh, tượng gỗ mỹ nghệ,… Để cơ sở chạm khắc gỗ ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, anh Cường luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm nghề qua đồng nghiệp ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, qua mạng xã hội, các hội nhóm nghề chạm khắc gỗ; tham khảo các mẫu mới trên mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng để đưa vào sản xuất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, bình quân thu nhập từ nghề của anh Cường đạt gần 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thu Thảo – Huyện đoàn An Lão