Huyện An Lão là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với hơn 12.360 người, chiếm 43% dân số toàn huyện. Tổng số đoàn viên toàn huyện 1.549 người, trong đó đoàn viên người DTTS là 705 người, chiếm 45%. Đa số thanh niên DTTS có đạo đức, lối sống lành mạnh, có ý chí vươn lên trong lập thân, lập nghiệp, có trách nhiệm, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.
Việc đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của thanh niên DTTS trong phát triển kinh tế xã hội là một hoạt động quan trọng để góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nhận thấy được vấn đề đó, ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chủ động đề xuất, tham mưu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình cho thanh niên đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, đặc biệt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những thanh niên có ý tưởng, mô hình sáng kiến, làm đầu mối liên kết, phối hợp với những đơn vị chức năng thực hiện hướng dẫn thanh niên đồng bào DTTS xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ các sản phẩm đặc trưng của người dân bản địa, tiềm năng lợi thế của của địa phương, từ đó giúp cho thanh niên có việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, xuất hiện gương thanh niên DTTS mạnh dạn trong khởi nghiệp như: anh Đinh Thanh Tùng và chị Đinh Thị Riêng xã An Quang với mô hình may mặc thổ cẩm của đồng bào DTTS; anh Đinh Văn Nghiên xã An Trung mô hình nấu rượu gạo; anh Đinh Văn Trường xã An Vinh mô hình nuôi heo đen, anh Đinh Văn Gốt – thôn Gò Bùi, Thị trấn An Lão mô hình chăn nuôi bò cái giống; anh Đinh Văn Hạ xã An Dũng mở tiệm sửa chữa xe máy; anh Đinh Lê Tuấn Anh xã An Toàn với mô hình Nụ quế thông An Toàn; chị Đinh Thị Thúy Hằng xã An Toàn với mô hình trồng Dứa; chị Đinh Thị Quy xã An Vinh với mô hình Trà lá Ổi…. Các mô hình đó đã phát huy được hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho thanh niên.
Trong năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm GDNN Bình Định và Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm tại các xã: An Trung, An Dũng, An Toàn, Thị trấn An Lão, tổ chức 02 hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh THPT tại trường PTDTNT THCS&THPT An Lão, hoạt động thu hút trên 350 đoàn viên thanh niên tham gia. Chú trọng công tác đăng ký tìm việc làm trong nước, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cho thanh niên, trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp phòng LĐTBXH huyện thực hiện xuất cảnh cho 43 thanh niên đi xuất khẩu lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên DTTS trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 như: tổ chức 05 lớp tập huấn về thiết kế nhãn mác, bao bì, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tập huấn phát triển nguồn nhân lực xây dựng du lịch cộng đồng; tập huấn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng số; tập huấn kỹ năng truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng cho trên 250 thanh niên là người DTTS trên địa bàn huyện tham gia. Tổ chức 01 Hội chợ triển lãm sản phẩm khởi nghiệp, lập nghiệp thanh niên DTTS và miền núi năm 2024 tại xã An Trung. Tổ chức 02 diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho 100 thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp với Viện nghiên cứu Nông lâm bền vững xây dựng 4 mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các xã An Hưng, An Vinh, An Quang, An Toàn dựa trên tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương, trên cơ sở đó hỗ trợ tạo các Tour du lịch cộng đồng cho đoàn viên thanh niên DTTS trực tiếp thực hiện để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Thực hiện hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm 4 mô hình của thanh niên tại địa phương: quả Dứa An Toàn; rượu cần truyền thống HRê; thịt heo, thịt bò gác bếp; trang phục truyền thống HRê. Tổ chức 01 hoạt động tuyên dương 13 thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu và giới thiệu, đề nghị Tỉnh đoàn khen 03 gương thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu nhằm khích lệ, động viên những cá nhân mạnh dạn đi đầu trong việc khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo việc làm và phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã khuyến khích, hỗ trợ giúp đỡ anh Đinh Lê Tuấn Anh, chị Võ Minh Mơ và HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão tham gia và đạt giải Nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Ðịnh lần thứ IV năm 2024 do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức với dự án “Nụ quế thông An Toàn”. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện đã tích cực, chủ động triển khai Phong trào “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, chọn đoàn viên thanh niên tiêu biểu để hỗ trợ con giống, cây giống, thành lập 05 mô hình Thanh niên phát triển kinh tế là người DTTS với 30 thành viên để học hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ chung của toàn huyện trong năm 2024, với vai trò xung kích, sáng tạo, Ban Thường vụ Huyện đoàn An Lão đã nỗ lực từng bước, kiên trì đoàn kết, tập hợp rộng rãi, phát huy vai trò của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, cùng phấn đấu góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.