Tháng 5-1942, Bác đi họp tỉnh uỷ Cao Bằng, Bác đóng vai ông thầy mo kiêm thầy thuốc nhưng mà điếc. Đồng chí Thế Anh đóng vai đón ông thầy mo về chữa cho vợ bị ốm. Lúc này đồng chí Thế Anh mới chỉ biết Bác là ông Ké Thu. Bác nhờ tỉnh uỷ Cao Bằng chuẩn bị cho Bác một cuốn sách cúng, một cái thanh la, một con gà và mấy bao gạo nếp. Đồng chí Thế Anh đeo các bao gạo nếp. Bác đội nón Nùng, lấy khăn che râu, mặc bộ quần áo Nùng, tay chống gậy. Đến ngã ba Đôn Chương thì gặp bọn tổng đoàn và bọn lính gác. Bọn chúng hỏi:
– Đi đâu?
Đồng chí Thế Anh đáp:
– Đi đón ông Ké về chữa cho vợ đang bị bệnh phong.
– Tốt lắm. Về chữa cho vợ tao đang ốm nặng.
Như thế thì gay go rồi. Đồng chí Thế Anh nói đi nói lại với tụi nó:
– Ông Ké này cũng xoàng thôi. Chỉ biết cúng có bệnh phong thôi, lại điếc nữa mà.
Nói mãi chúng nó cũng nhượng bộ và nói rằng:
– Mày đi xong, chiều về nhớ cúng cho vợ tao.
Ông Ké quay lại cười Đồng chí Thế Anh bực quá, đi một quãng xa rồi quay lại phê bình ông Ké:
– Đã bảo là điếc rồi, mà ông Ké còn quay lại cười với nó. Làm vậy nó bắt thì làm sao?
– Nếu không cười thì nó bắt rồi. Điếc thì nó nói không nghe. Nhưng mình còn hệ thần kinh. Ông Ké giải thích, mình còn đi lại được, nó vỗ vào người phải biết. Chứ nó vỗ vào mà không đứng lên nó cho là điếc giả vờ, nó bắt rồi.
Đi một quãng, đồng chí Thế Anh lại ngạc nhiên khi nhìn hàm răng ông Ké trắng là thế, sao hôm nay lại bẩn vậy.
Bác cười và nói:
– Chục, chục, cheng cheng xôi đầy, gà béo đưa cho thầy, thầy ăn. Ăn chưa hết nó còn dính như thế.
Bác đã lấy nhựa sung phơi khô tai tái rồi dí vào răng sau đó lấy xôi nhét vào. Lúc Bác cười, hạt xôi cứ rơi lả tả.
Việc làm này của Bác càng làm cho chúng ta thấy rõ Bác đã chuẩn bị cải trang và giữ bí mật rất chu đáo.