Nhiều người quan tâm đến sinh hoạt đời thường của Bác Hồ đã có lúc đặt ra câu hỏi ấy. Mới xem qua, dường như nó chẳng có ý nghĩa gì mấy, bởi nó riêng tư, mỗi người đều có sở thích của mình, khẩu vị và thị hiếu là vấn đề không thể bàn cãi.
Đúng như vậy. Nhưng tìm hiểu sở thích của một người cũng là một hướng tiếp cận tính cách của con người đó, càng cần thiết hơn khi đó là một vĩ nhân.
Cũng như mọi người, có món ăn Bác rất thích, nhiều món ăn được, có món không thích. Ví dụ, qua bữa cơm với bà Thành được kể lại, ta biết cậu Thành từ nhỏ không ăn được tỏi.
Nét nổi bật là vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta lại rất thích ăn các món ăn dân dã như mắm, cà dầm tương, canh cua ăn với rau chuối thái ghém,…
Có lần, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chủ tịch Liên khu IV Lê Viết Lượng có gửi lên Việt Bắc biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích ăn. Ngày đó, Bác vẫn thường ăn chung với các nhân viên phục vụ của mình. Có bữa bận phải ăn sau, Bác dặn:
– Các cô chú cứ ăn thịt cá, để phần Bác món cà dầm mắm.
Ở rừng, thỉnh thoảng vẫn thiếu rau. Bác bảo:
– Ta thiếu rau nhưng nhiều mít, cô Mai (vợ bác sĩ Chánh) làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột.
Chị Mai thú thực không biết làm. Bác bày cho cách làm nhút từ quả mít xanh. Có lẽ trong các món ăn mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng. Hôm nào đồng chí Cần, cấp dưỡng của Bác, làm món ăn đó, người thường ăn hết, để món thịt lại.
Có lần Bác được mời đi nghỉ tại Liên Xô. Bạn cho ăn toàn những món đặc sản vào loại tuyệt hảo. Bỗng một hôm Bác bảo: “Mình nhớ món cá bống kho lá gừng quá!”. Một chuyện thật đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh đó thực hiện lại không dễ. Nấu ở nhà nghỉ thì không ổn, hơn nữa bạn lại rất sợ mùi nước mắm. Kho ở sứ quán rồi mang vào, lại sợ bạn biết sẽ phật ý. Cuối cùng, nhờ sự trổ tài khéo léo của đồng chí Vũ Kỳ trong việc giới thiệu các món ăn cổ truyền của dân tộc, món cá bống kho lá gừng đã được thực hiện.
Ở Việt Bắc, hôm nào có điều kiện ăn tươi, Bác lại bảo: ra gọi cô Cúc (vợ đồng chí Phạm Văn Đồng) và cô Mai vào trổ tài cho Bác cháu mình thưởng thức. Chị Mai làm món gà rút xương, thịt băm trộn nấm hương nhồi đùi gà, đem hấp. Chị Cúc làm món bít tết. Bác khen ngon, vì làm ra công phu. Bác nhận xét:
– Gia vị đối với món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị, món ăn sẽ giảm hương vị đi rất nhiều.
Coi trọng nội dung, Bác cũng nhắc nhở cần chú ý đến cả hình thức trình bày. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo: các chú nấu cơm, để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín. Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp. Anh em cười thán phục. Bác bảo:
– Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!
Ngày 16-6-1957, Bác đi thăm Đồng Hới (Quảng Bình). Trong bữa cơm trưa có đủ các món đặc sản của Đồng Hới: mắm tôm chua, rau muống chẻ, cá thu kho,… Bác cháu vừa ăn vừa trò chuyện. Bác chỉ tay sang bác sĩ Nhữ Thế Bảo nói đùa:
– Bác sĩ khuyên mọi người ăn chín, uống sôi, còn bản thân bác sĩ thì lại ăn rau muống sống hơi quá nhiều đấy!
Mọi người cười vang. Bữa ăn ngon lành càng thêm vui vẻ.
Trích trong Bác Hồ – con người và phong cách , Sđd, t. 2, tr. 140.