Bằng chứng khoa học và thực tiễn phủ nhận luận điệu xuyên tạc về thời đại ngày nay

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Marx vào nước Nga, V.I.Lenin và Đảng Bolshevik Nga đã lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga làm nên “mười ngày rung chuyển thế giới”. Cách mạng Tháng Mười năm 1917 không chỉ mở ra trang sử mới cho nước Nga mà còn mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sau Cách mạng Tháng Mười, CNXH từ lý thuyết đã trở thành thực tiễn. Chỉ trong thời gian ngắn, Liên Xô trở thành đối thủ không thể tiêu diệt của các nước tư bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống các nước XHCN ra đời với ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Điều này làm cho quy mô và ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản (CNTB) bị thu hẹp. Từ thực tế đó, Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế (tháng 11-1960) đưa ra khái niệm “thời đại chúng ta” như sau: “Thời đại chúng ta mà nội dung chủ yếu là sự quá độ từ CNTB lên CNXH mở đầu bằng Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại, là thời đại cách mạng XHCN và cách mạng giải phóng dân tộc”.

Kế thừa và phát triển những quan điểm của Chủ nghĩa Marx-Lenin về thời đại, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với các chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”.

Luận điệu về tương lai vĩnh hằng của CNTB chứa đựng thực tại đầy mâu thuẫn, không thể hóa giải của chính CNTB. Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất đã dẫn đến mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với giai cấp tư sản; sự bất bình đẳng về thu nhập kéo theo sự bất bình đẳng về mọi mặt trong xã hội tư bản. Các mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển trong cuộc cạnh tranh “sống còn” vì vị thế quốc gia và lợi ích của tập đoàn tư bản đã biến thành các cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt. Đó còn là mâu thuẫn giữa các nước tư bản và các nước đang phát triển khi các nước phát triển giữ vai trò “nhà cái”, đặt ra các “luật chơi” có lợi cho mình trong tiến trình toàn cầu hóa, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo với các nước đang phát triển. Sự phát triển theo hướng lấy lợi nhuận tối đa làm mục đích của CNTB còn gây tác hại khủng khiếp cho môi trường toàn cầu. Một xã hội với những bất ổn trầm trọng như thế, tất yếu phải được thay thế bằng một xã hội tốt đẹp hơn; do đó, CNTB không thể là tương lai vĩnh hằng của loài người.

Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ chân giá trị của Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người cộng sản và nhân dân Việt Nam phải giữ cho mình “trí sáng, tâm trong” trong “cuộc chiến” không khói súng này. Điều quan trọng hơn, chúng ta phải đồng tâm nỗ lực xây dựng thành công CNXH vì thực tiễn là thước đo chân lý, thắng lợi trên thực tiễn sẽ phủ định mọi điều đơm đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch về thời đại ngày nay.

Bích Đào

Trả lời