Lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long), thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, qua đó chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động để từ đó đề ra những giải pháp phòng, chống có hiệu quả là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa vùng Tây Nam Bộ tiếp tục phát triển bền vững.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển vùng Tây Nam Bộ. Sau hơn 35 năm đổi mới, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, hằng năm đóng góp bình quân khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội của vùng vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều chỉ tiêu kinh tế được đề ra trong Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020 đến nay chưa thực hiện được (1). Chiếm 19% dân số cả nước nhưng vùng chỉ góp 12% GDP (năm 2019); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của vùng thấp so với cả nước; liên kết vùng còn lỏng lẻo; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thành tựu giảm nghèo có nguy cơ chậm lại; các chỉ số về giáo dục và đào tạo của vùng còn thấp so với mức trung bình của cả nước… Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…
BẢN CHẤT CÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO Ở TÂY NAM BỘ
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử, những hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội, những khó khăn, thách thức mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Tây Nam Bộ đang phải đối mặt, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, tạo cớ để chống phá về chính trị. Các phương tiện truyền thông xã hội được các thế lực triệt để lợi dụng để chống phá, với một số thủ đoạn sau:
Về mục đích, các thế lực phản động muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ đồng bào các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa – Chăm…, gây mất an ninh, trật tự, tạo điểm nóng chính trị, gây sự chú ý của dư luận quốc tế, kích động chống đối, thậm chí là bạo loạn để phá hoại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Về nội dung, ngoài những vấn đề đặc thù của vùng đất Tây Nam Bộ, như tôn giáo, dân tộc, lịch sử, chủ quyền…, còn có các vấn đề chung, như: Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc tự do, dân chủ; phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ngoại giao, quốc phòng – an ninh; lợi dụng các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, như đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, phòng, chống dịch COVID-19, tình hình Biển Đông… để xuyên tạc, chống phá.
Về chủ thể, các tổ chức, cá nhân chống phá chủ yếu là những hội, nhóm trá hình các tổ chức mượn danh tôn giáo, dân tộc, các tổ chức phản động lưu vong, những phần tử cực đoan, bất mãn chính trị trong nước. Các hội nhóm và cá nhân trong nước thường có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức bên ngoài, các tổ chức và cá nhân có tư tưởng bài xích Việt Nam. Ở các nước phương Tây có những tổ chức, như: Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm (AKKK), Hội Bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm, Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Liên hiệp Ủy ban chủ nghĩa dân tộc (KKK)… Các tổ chức này móc nối, tài trợ kinh phí, kích động một số tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đòi thành lập cái gọi là “nhà nước Khmer Krôm tự trị” (?!)…
Một số đối tượng thanh niên do nhận thức hạn chế, bị lôi kéo, dụ dỗ “hùa” theo các trang mạng chống đối, đưa ra những thông tin không đúng sự thật để bôi xấu chế độ, vu cáo chính quyền vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền… Liên quan đến tôn giáo, một nhóm người hình thành cái gọi là tổ chức “Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy” đối lập với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm quyền công dân…
Về cách thức, phổ biến nhất là lập các trang mạng để thông tin sai sự thật, bình luận theo hướng xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… trong nước và các địa phương. Các tổ chức ở nước ngoài hỗ trợ kinh phí cho các hội nhóm, cá nhân chống đối trong nước để kích động, xúi giục một số sư, tăng, đối tượng trong nước “ly khai”, chống đối.
Về tư tưởng, các thế lực xấu, thù địch chủ yếu kích động tư tưởng dân tộc cực đoan dưới nhiều hình thức, như: mượn cớ các vấn đề lịch sử, tôn giáo và dân tộc để xuyên tạc về lãnh thổ của Việt Nam, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, kích động tách Phật giáo Nam tông Khmer thành “một hệ phái độc lập”… Họ lấy “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa” làm cái cớ để đòi Nhà nước ta công nhận các dân tộc thiểu số là “dân tộc bản địa”, có “quyền tự quyết”, từ đó đưa ra những đòi hỏi vô lý về chính trị, âm mưu chia tách, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Về hoạt động, các tổ chức này đều có trang web, đài phát thanh riêng… và dựa vào đó để tuyên truyền, kích động; lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo để truyền đạo trái phép. Họ gửi “thỉnh nguyện thư” đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia kêu gọi lên tiếng “bảo vệ” người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gây sức ép đòi thả những người vi phạm pháp luật… Ở trong nước, các hội nhóm, cá nhân kích động biểu tình, tạo điểm nóng chính trị để gây sự chú ý của dư luận thế giới, được hà hơi tiếp sức bởi các tổ chức quốc tế, như Human Right Watch (Theo dõi nhân quyền – HRW), Amnesty International (Ân xá quốc tế – AI), Đài phát thanh Á châu Tự do (Radio Free Asia – RFA)…
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC Ở VÙNG TÂY NAM BỘ: GIẢI PHÁP CĂN CƠ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Từ những thủ đoạn chống phá trên của các thế lực thù địch, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch ở vùng Tây Nam Bộ đặt ra một số vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, về mục tiêu: Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước hết cần tập trung vào việc bảo vệ những vấn đề cốt lõi, nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bảo đảm quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đại đoàn kết dân tộc…
Thứ hai, về nội dung: Những vấn đề mang tính đặc thù của vùng đất Tây Nam Bộ, như về lịch sử, lãnh thổ, dân tộc… cần tiếp tục được nghiên cứu làm rõ, củng cố thêm các căn cứ lịch sử, pháp lý, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thống nhất trong nhận thức của đông đảo nhân dân.
Để tuyên truyền thuyết phục, cần tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn. Chính sách đại đoàn kết dân tộc, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… phải bảo đảm được thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên thực tế, hướng đến sự phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ. Bất cứ sự vi phạm nào đối với quyền con người, quyền bình đẳng giữa các dân tộc cũng sẽ tạo cớ để các thế lực thù địch chống phá.
Thứ ba, về chủ thể: Mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị đều có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch, trong đó lực lượng chủ công, nòng cốt là ban chỉ đạo 35 các cấp, các cơ quan tuyên giáo, báo chí, lực lượng đấu tranh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… Cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở, có năng lực và phẩm chất đạo đức, luôn gần dân, trọng dân, quan tâm chia sẻ và biết cách giải quyết những nguyện vọng, khó khăn của dân. Có như thế, chính quyền mới thật sự là chỗ dựa của người dân trong các vấn đề dân sinh, còn người dân là chỗ dựa của chính quyền trong các vấn đề về tổ chức và quản lý xã hội. Song song đó, quan tâm phát triển giáo dục – đào tạo để nâng cao trình độ dân trí, chọn lựa và đào tạo cán bộ ngay trong vùng đồng bào các dân tộc, xây dựng họ thành hạt nhân đoàn kết để lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối với đồng bào các dân tộc, do điều kiện sống còn khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, nên cần phải chú trọng công tác dân vận thông qua các trí thức, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phân hóa các đối tượng chống đối, nhất là những đối tượng trẻ tuổi, để tuyên truyền, giáo dục, chuyển hóa.
Thứ tư, về cách thức: Việc tuyên truyền thông qua báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội phải được xem là một mặt trận quan trọng. Cần nâng cao chất lượng, nội dung của các loại hình báo chí: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử tiếng dân tộc. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và một số đài phát thanh, truyền hình ở vùng Tây Nam Bộ đã có chương trình tiếng Khmer với nội dung phong phú, được đồng bào quan tâm. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ đã có tờ báo tiếng Khmer và các trang điện tử tiếng Khmer… Vấn đề đặt ra là tạo điều kiện để các cơ quan thông tin đại chúng không chỉ là kênh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn thật sự là diễn đàn, là nơi thể hiện tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số và các tôn giáo trong vùng Tây Nam Bộ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và các sư sãi, tầng lớp thanh niên để lực lượng này trở thành những nhân tố tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đồng bào Khmer, Chăm, Hoa và các tôn giáo trong vùng Tây Nam Bộ còn có những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù gắn liền với lịch sử và văn hóa tộc người, tạo thành các phong tục, tập quán, lễ hội giàu bản sắc văn hóa. Vì thế, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc và tôn giáo phải được xem là một giải pháp quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các tôn giáo chính là nuôi dưỡng tính đa dạng trong thống nhất; tăng cường đoàn kết thông qua khẳng định sự đóng góp của các tộc người và các tôn giáo, xây dựng cơ sở của sự gắn kết dựa trên sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chính trong sự đa dạng, các dân tộc sẽ nhận ra tính thống nhất và vị trí không tách rời của mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chăm lo cho sinh kế và đời sống, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ, sự phát triển ổn định và lâu dài của đồng bào các dân tộc, sự phát triển tự do và hài hòa của các tôn giáo là vấn đề gốc, căn bản trong công tác đấu tranh tư tưởng. Khi đời sống đồng bào không ngừng được nâng cao, các dân tộc bình đẳng về cơ hội phát triển trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, giàu mạnh thì không thế lực nào có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết dân tộc.
Phát triển bền vững các dân tộc cần hướng đến ba trụ cột: Bền vững sinh kế, bền vững văn hoá – giáo dục và bền vững về môi trường. Bền vững sinh kế giúp đồng bào cải thiện điều kiện sống, phát triển kinh tế gia đình, tạo sự bình đẳng về kinh tế. Bền vững văn hoá – giáo dục giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao dân trí, qua đó bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển. Bền vững môi trường giúp đồng bào có một môi trường sống lành mạnh, an toàn. Đó cũng chính là thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở vùng Tây Nam Bộ./.
TS. Phan Công Khanh Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV
__________________
(1) GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 51,3 triệu đồng, thấp hơn 18% so với trung bình cả nước là 62,7 triệu đồng. Trong giai đoạn 2013 – 2018, GDP thực tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng mỗi năm trung bình khoảng 6%, thấp hơn so với mức bình quân cả nước là 6,6%; tỷ trọng của các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 25,3% GDP vùng, trong khi mức bình quân cả nước là 35,4%.