Năm 1946, một nhà văn là Uỷ viên Thường trực Ban vận động Đời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
– Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay nhìn nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay bằng mấy chữ khác không ạ?
– Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hằng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha ta đã từng hít thở ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục hít thì chú thấy có cổ không?
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mấy chục vạn quân Tưởng kéo vào tìm cách khiêu khích để lấy cớ tiêu diệt cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã triệu tập các vị lãnh đạo cao cấp để xử lý một vấn đề “hệ trọng”, Bác nói:
– Tướng T. V. của quân đội Trung Hoa dân quốc có gửi cho tôi một bức công văn, nội dung như sau:
“Kính thưa Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm”.
Không cần phải nói, ai nấy đều có thể hình dung không khí tức giận bao trùm lên cuộc họp. Có những ý kiến đòi đánh.
Với phong thái bình tĩnh, ung dung Bác Hồ nói: “Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn trong sự việc vừa đem ra bàn, họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?”.
Khoảng giữa năm 1949, một nhà báo Thái Lan trực tiếp phỏng vấn Hồ Chủ tịch để thăm dò xem Việt Nam đứng về phía nào trong cuộc chiến Quốc – Cộng ở Trung Quốc.
– Thưa Cụ Chủ tịch, nước Việt Nam của Cụ đứng về phía ông Tưởng hay ông Mao? Xin Cụ miễn cho câu trả lời “đứng trung lập”.
– Chúng tôi đứng trung lập. Cũng như Thái Lan của ông đang đứng trung lập giữa Anh và Mỹ!
– Nghe nói quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã gửi cho Cụ súng cối và sung liên thanh. Cụ đã nhận được chưa, chưa thì Cụ có định nhận không?
– Chúng tôi chưa nhận được gì hết. Còn đúng như ông nói là họ có ý định gửi cho chúng tôi thì trong trường hợp này, ông khuyên chúng tôi nên làm như thế nào?
Ngày 5-10-1959, ông Sira Isi Bon, cố vấn biên tập báo Axahisinbun Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có việc Chính phủ Nhật là dự định bồi thường chiến tranh, mà phía Nhật Bản lại chọn Việt Nam lúc đó do ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát làm đối tác. Câu hỏi và trả lời như sau:
Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa Chính phủ Nhật Bản và Nam Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết là là nước Ngài không hài lòng.
Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào mới đúng?
Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền đòi Chính phủ Nhật Bản bồi thường những thiệt hại đó. Nhưng hiện nay Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành đàm phán và ký kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.
Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thấy rằng, việc đòi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Nhật đấu tranh chống chiến tranh bảo vệ hoà bình là quý hơn hết.
Báo An ninh thủ đô , số 562, ngày 20-2-2001.