Vì nhiều lý do khác nhau không ít sinh viên còn ngại học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị (LLCT). Vì sao lại có hiện tượng này? Có cách nào để sinh viên hứng thú học tập, nghiên cứu LLCT? Cần nhìn thẳng vào sự thật, bắt đúng “bệnh” và đưa ra giải pháp “chữa bệnh”.
Chỉ khi chất lượng, hiệu quả học tập LLCT nâng lên, đội ngũ sinh viên hôm nay là tầng lớp trí thức ngày sau mới thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, toàn tâm toàn ý đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài 1: Kim chỉ nam cho sinh viên lập thân, lập nghiệp
LLCT được xem là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Với sinh viên-những người trẻ tuổi đang tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, hình thành nhân cách, rèn luyện bản lĩnh chính trị thì các môn học LLCT càng đặc biệt quan trọng. Chỉ khi có LLCT vững vàng mới tạo bệ phóng vững chắc cho sự phát triển năng lực cá nhân và sự nghiệp trong tương lai.
“Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”
Đây là nhận định minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của lý luận được Người viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947). Lý luận nói chung và LLCT nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận; rồi lại đem nó chứng minh với thực tế mới thực sự chắc chắn, chân chính.
Nhiều lần Bác căn dặn mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên khắc phục tình trạng kém lý luận, khinh lý luận và cũng đừng rơi vào lý luận suông. Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến LLCT thật gần gũi, dễ đi vào lòng người bởi chính Bác là tấm gương sáng về học tập, nghiên cứu và vận dụng LLCT để hậu thế noi theo. Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với bao học thuyết chính trị mới tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.
Trở lại thời điểm đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với lý luận cách mạng của thời đại là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người mới nhận ra con đường cách mạng Việt Nam phải đi, đó là tiến hành cách mạng vô sản giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với tư duy độc lập, sáng tạo không rơi vào lý luận suông, không áp dụng lý luận cứng nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhiều lần vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù Việt Nam; đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày nay, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Cho nên việc học tập, nghiên cứu LLCT là để hiểu sâu sắc, đầy đủ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động có tư tưởng tiến bộ. Chỉ có trang bị đầy đủ về LLCT mới có thể tạo ra hành động cách mạng tích cực, hiệu quả như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động”.
Như vậy, việc học tập LLCT trước tiên là để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chỉ có nghiên cứu, học tập LLCT thực chất, với động cơ tích cực, trong sáng mới giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, hoàn thành công việc được giao phó.
Với tầm quan trọng của LLCT giải thích vì sao trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhiều năm qua luôn nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Đồng thời, nhận định biểu hiện nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT, lười học tập LLCT là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị.
Sự cần kíp trong học tập LLCT của sinh viên
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nước ta có hơn 1,6 triệu sinh viên. Họ là những trí thức tương lai của đất nước, là tầng lớp kế cận đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần XIII của Đảng đề ra đó là đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Mặt khác, một bộ phận sinh viên trong tương lai sẽ trưởng thành, rồi trở thành cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước.
Quan điểm nhất quán trong sự nghiệp giáo dục của Đảng ta là đào tạo thế hệ trí thức mới không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, mà trước hết phải có đạo đức, có lòng yêu nước thiết tha, gắn bó với nhân dân, với chế độ, sẵn sàng góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như vậy, bên cạnh đào tạo chuyên môn, học tập các môn LLCT (Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) có vai trò quan trọng trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, củng cố niềm tin của sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó, góp phần đào tạo sinh viên phát triển một cách toàn diện. Theo PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương: “Việc nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước là điều hệ trọng với công dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là sinh viên, những người mai sau sẽ trở thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Lịch sử đã chứng minh, đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” luôn là một nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau”.
Thời gian ngồi trên giảng đường đại học cực kỳ quan trọng đối với sinh viên trong việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp tư duy và bản lĩnh chính trị. Từ điểm xuất phát này, sinh viên sẽ trưởng thành và bước sang chương mới cuộc đời với khát vọng lập thân, lập nghiệp. Nếu điểm xuất phát tốt, họ sẽ đạt được những bước đi vững chắc, có khả năng phát triển năng lực, sở trường trong tương lai.
Không ít sinh viên vẫn có suy nghĩ chỉ những ai muốn phấn đấu trở thành cán bộ, đảng viên trong tương lai thì mới cần học tốt các môn LLCT; nếu không thì xác định học “cho xong”. Đây là nhận thức sai lầm! Bởi lẽ, dù làm công việc gì đi nữa, cũng cần có kiến thức về chính trị, xã hội, nắm vững được chính sách, pháp luật, vận dụng trong công việc và đời sống. Chẳng hạn, một nghệ sĩ nếu nắm vững quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa văn nghệ sẽ có bản lĩnh chính trị, chắc chắn không sáng tác, phổ biến những tác phẩm nhạy cảm chính trị, vi phạm thuần phong mỹ tục; ứng xử văn hóa, có đạo đức nghề nghiệp, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của bản thân. Hay như một doanh nhân sẽ tìm thấy những yếu tố tích cực từ tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài để vận dụng vào thực tiễn tuyển trạch và quản trị nhân sự doanh nghiệp.
Không chỉ mang lại lợi ích để lập nghiệp mai sau, học tập LLCT còn giúp sinh viên lập thân, trở thành công dân gương mẫu, có trách nhiệm với cộng đồng, luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Từ đó, trong suy nghĩ và hành động đều hướng đến các giá trị nhân văn cao đẹp; có lòng yêu nước nồng nàn; có tinh thần kiên định, vững vàng trước những biến động phức tạp của cuộc sống.
Đặc trưng của sinh viên là tuổi đời còn trẻ, khoảng từ 18 đến 25 tuổi. Bên cạnh ưu điểm có tri thức, năng động, dễ tiếp thu cái mới song tâm lý chưa ổn định, thiếu kinh nghiệm, chưa nhạy cảm với các vấn đề chính trị xã hội, dễ sa vào tệ nạn xã hội, bắt chước văn hóa lai căng nước ngoài. Nắm bắt điều này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên kích động, lôi kéo, dụ dỗ sinh viên tiếp xúc các thông tin xấu độc, nhất là trên môi trường Internet, nhằm làm giảm niềm tin của sinh viên đối với Đảng, Nhà nước; thậm chí một số sinh viên đã bị lợi dụng, tích cực hoạt động chống phá chế độ, gây bất ổn chính trị, an ninh trật tự. Cho nên, việc học tập các môn LLCT sẽ giúp sinh viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhiều tư tưởng, học thuyết, hệ giá trị, quan điểm cũng sẽ theo các cánh cửa giao thương, không gian mạng… mà ùa vào, tác động đến tâm tư, tình cảm và hành động của sinh viên. Do vậy, việc giáo dục LLCT cho sinh viên đại học nhằm tạo ra nền tảng kiến thức chính trị-xã hội vững vàng ngay từ giảng đường đại học là vô cùng quan trọng. Thông qua học tập các môn LLCT, sinh viên có nhận thức đúng đắn; có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó, sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của sinh viên trong học tập, lao động; xây dựng lý tưởng cách mạng trong sáng, làm chủ bản thân, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc mục tiêu lý tưởng.
Để phục vụ cho loạt bài này, trong tháng 12/2021, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành một cuộc khảo sát với 3.020 sinh viên trên cả nước. Trả lời câu hỏi về lợi ích của các môn LLCT, hầu hết sinh viên sau khi học xong đều thể hiện nhận thức tích cực về lợi ích của các môn học đối với bản thân, đó là: Góp phần hình thành thế giới quan khoa học, nhân cách và lý tưởng sống (66,8%); giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm với đất nước (64,2%); vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn (44,1%)… Song, nghịch lý là khi được hỏi về mức độ yêu thích với từng môn học cụ thể, câu trả lời “Bình thường” đều chiếm tỷ lệ hơn 50%.
(còn nữa)
Theo QĐND