Chương trình nói chuyện của Giáo sư Gerardus't Hooft – Nhà Vật lý lý thuyết, giáo sư tại trường Đại học Utrecht, Hà Lan, đạt giải Nobel Vật lý năm 1999

Tin tức 2017
Chiều ngày 25/7/2017, tại Hội trường Trung tâm văn hoá tỉnh, Tp. Quy Nhơn, Ban Thư ký hội LHTN Việt Nam tỉnh, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức buổi nói chuyện với Giáo sư Gerardus't Hooft cho 500 giáo viên, học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học trong tỉnh.
Tham dự buổi giao lưu có đồng chí Trần Thị Thu Hà – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, về phía Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam có giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE; về phía Tỉnh đoàn có đ/c Lương Đình Tiên – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; đại diện các Hội Khoa học kỷ thuật, Sở giáo dục và đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định.

Vài nét về Giáo sư: Giáo sư Gerardus ’t Hooft, sinh ngày 05/07/1946 tại Den Helder, Hà Lan, là một nhà vật lý lý thuyết người Hà Lan và hiện đang là giáo sư tại Đại Học Utrecht, Hà Lan.Năm 1999, GS. Gerardus ’t Hooft, cùng với thầy hướng dẫn tiến sỹ của mình là GS. Martinus J. G. Veltman, nhận giải thưởng Nobel Vật Lý cho công trình nghiên cứu về “Cấu trúc lượng tử trong các tương tác điện yếu”. Đây là công trình khoa học quan trọng xây dựng nền tảng toán học vững chắc cho lý thuyết vật lý về các hạt cơ bản.Ngoài ra, trong sự nghiệp khoa học của mình, ông còn có các đóng góp quan trọng khác trong các lĩnh vực: lý thuyết trường chuẩn trong vật lý hạt cơ bản, lý thuyết về hấp dẫn lượng tử và các hố đen trong vũ trụ, nghiên cứu về các cơ sở nền tảng trong cơ học lượng tử.
 


Giáo sư Gerardus't Hooft nói chuyện về các định luật cơ bản của tự nhiên

Buổi nói chuyện xoay quanh các định luật cơ bản của tự nhiên. Các định luật “cổ điển” của khoa học tự nhiên liên quan đến những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và chúng có thể được hiểu một cách khá dễ dàng.

Thế giới cực nhỏ của các vật thể, như các nguyên tử, phân tử và các hạt nhỏ hơn nguyên tử, tuân theo các định luật cơ học lượng tử; khi các vật thể chuyển động với vật tốc cực lớn, gần với vận tốc ánh sáng, cơ học cổ điển được thay thế bằng lý thuyết tương đối hẹp của Einstein, trong khi đó vật thể cực kỳ nặng, nặng hơn cả mặt trời và các hành tinh tạo ra trường hấp dẫn mà chỉ có thể hiểu được bằng lý thuyết tương đối rộng của Einstein.

Mặc dù có những khó khăn, tất cả các lý thuyết này có thể được xuất phát từ các triết lý giản đơn mà không có chúng vũ trụ của chúng ta có thể không hoạt động như những gì chúng ta thấy hiện nay. Bài giảng đã giải thích được câu hỏi: nếu bạn muốn thiết kế một vũ trụ, các định luật cơ bản nào bạn muốn sử dụng? Bạn có thể nghĩ rằng, bạn có nhiều sự lựa chọn, nhưng cuối cùng thì bạn cũng sẽ đi đến một tập hợp các quy luật khá giống với những gì chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ này. Rồi bạn sẽ gặp phải một khó khăn: bạn muốn các định luật này tương hợp với những yêu cầu cơ bản, nhưng thực sự là rất khó để có thể thỏa mãn tất cả các yêu cầu cùng lúc.
 


Các bạn học sinh đặt câu hỏi giao lưu với Giáo sư

Được giao lưu với Giáo sư, các bạn học sinh, sinh viên, công chúng yêu khoa học đã có buổi trò chuyện và đặt câu hỏi rất thú vị liên quan đến sự nghiệp, chuyên môn khoa học của giáo sư như: thang planck, vật lý hạt (lực yếu của các hạt Neutrino), cơ học lượng tử và cơ học lượng tử phi đối tính, quan điểm các vũ trụ song song và tác động lẫn nhau,… Những câu hỏi của các bạn được giáo sư chia sẻ rất cụ thể, dễ hiểu. 
 
 
Buổi giao lưu đã giúp các bạn trẻ hiểu thêm về Vật lý lý thuyết, đồng thời khơi dậy niềm yêu thích khoa học trong các em tạo tiền đề cho các em có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến các định luật cơ bản của tự nhiên.

Trả lời