Chuyện ‘thầy giáo’ đặc biệt: Ngày làm công nhân, tối đứng lớp

Tin tốt, chuyện đẹp
Sáng làm công nhân, đêm bảo vệ dân phố, anh Trần Lâm Thắng (38 tuổi, ngụ TP.HCM) đã mang sự tử tế để làm đẹp cho đời với công việc gieo chữ cho những trẻ em nghèo tại lớp học tình thương Long Bửu.

“Đi tìm chữ” cho trẻ em nghèo

Anh Trần Lâm Thắng sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại khu phố Long Bửu (phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM). Năm 2009, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh bắt đầu với công việc đầu tiên là bảo vệ dân phố.

Cơ duyên đến với lớp học tình thương của anh bắt đầu từ 13 năm trước, trong lúc làm việc, anh Thắng bắt gặp một vụ gây gổ của thanh thiếu niên. Anh đứng ra giải quyết, yêu cầu viết bản tường trình mới phát hiện các em đều không biết chữ. “Sau đó, tôi nghĩ nhiều về việc bọn trẻ 14, 15 tuổi mà không biết chữ. Tôi nung nấu ý tưởng mở một lớp học dạy chữ cho những trẻ em nghèo không có cơ hội đến trường” – anh Thắng kể lại.

Chuyện 'thầy giáo' đặc biệt: Ngày làm công nhân, tối đứng lớp ảnh 1
Chân dung “thầy giáo bảo vệ” Trần Lâm Thắng (Ảnh: Khánh Ly).

Với mong muốn “đi tìm con chữ” cho các em nhỏ, anh Thắng đã quyết tâm đứng ra thành lập “lớp học 0 đồng”. Giấc mơ con chữ tưởng chừng xa vời của trẻ ngụ cư nay đã hoá hiện thực nhờ lớp học tình thương của anh và các bạn Đoàn viên.

Suốt 13 năm qua kể từ ngày 9/1/2010 – lớp học tình thương Long Bửu được thành lập, chưa ngày nào tâm trí của anh Thắng không thôi trăn trở về chuyện con chữ cho các em học sinh ở lớp học này.

Lớp học ban đầu chỉ vỏn vẹn 24m2, thiếu thốn cả nhân, vật lực, anh cùng các Đoàn viên phải vận động tổ chức lớp. Đi tìm từng viên phấn, cái bảng, bàn, ghế cho học sinh nghèo, anh và các bạn còn cùng nhau vận động phụ huynh dẫn con em tới lớp, học sinh “ở lại” với con chữ.

Ban đầu, lớp được mở dưới khu phố nhỏ gần trụ sở trung tâm, sát đường lộ khá nguy hiểm. Sau đó, Bí thư Đoàn phường Long Bình mới xin chuyển sang chỗ mới an toàn và rộng rãi hơn. Nhờ chính quyền hỗ trợ, anh có thêm 5 phòng học, mỗi khối ở bậc tiểu học từ đó có một phòng riêng.

Để có thêm kinh phí lo cho lớp học, hằng ngày, anh Trần Lâm Thắng làm công nhân tại một công ty ở Biên Hoà, tối đến anh lại trở thành người thầy của các em. Khi vãn lớp, anh khoác áo bảo vệ trực ca đêm cho khu phố.

Anh Thắng tâm sự: “Nhiều khi cực quá cũng có suy nghĩ bỏ cuộc. Nhưng mỗi lúc như vậy, tôi nghĩ lại lý do mình bắt đầu mở lớp. Là người lập ra, duy trì lớp, kêu gọi các em tới học, mình không thể bỏ các em được. Cứ như vậy, tôi mến tay mến chân với mấy đứa nhỏ rồi dạy tới bây giờ”.

Chuyện 'thầy giáo' đặc biệt: Ngày làm công nhân, tối đứng lớp ảnh 2
Anh Thắng và các em nhỏ trong lớp học tình thương Long Bửu (Ảnh: Thu Phượng)

Đặc biệt, các tình nguyện viên là những người luôn đồng hành, hỗ trợ anh trong việc dạy học cho các em. Cao Hữu Nhân (sinh viên năm 2, trường ĐH Giao thông Vận tải – phân hiệu tại TP.HCM) chia sẻ: “Nhờ có anh Thắng mà mình có cơ hội được đồng hành cùng các em có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Thắng xem những đứa nhỏ ở đây như con, lúc nào cũng dịu dàng chỉ bảo dù các em nhiều lúc còn nghịch, chưa hiểu chuyện. Lớp học này được thành lập từ tình thương của anh nên anh cũng muốn duy trì lớp bằng chính tình thương đó”.

Khó khăn nào rồi cũng vượt qua

Lớp học đặc biệt của “thầy giáo bảo vệ” mở mỗi tối từ thứ Hai tới thứ Bảy hằng tuần. Tiền học, sách vở, đồng phục các em đều được phát miễn phí. Yêu cầu duy nhất anh đặt ra là các em phải siêng năng đến lớp và chăm chỉ học bài.

Vì nghề nghiệp chính là công nhân, bảo vệ khu phố, anh Thắng không quen với việc đứng lớp truyền đạt kiến thức, không biết giảng ra sao để các em hiểu bài. “Lúc đầu, tôi không biết đứng trên bục giảng, không biết nói sao để các em nghe lời. Thấy mấy bạn sinh viên dạy sao thì tôi học theo. Để sau này, các bạn không dạy nữa thì tôi vẫn có thể đứng lớp. Bây giờ, tôi quen bục giảng lắm rồi”.

Chuyện 'thầy giáo' đặc biệt: Ngày làm công nhân, tối đứng lớp ảnh 3
Anh Thắng luôn tận tình hướng dẫn các em học chữ (Ảnh: Khánh Ly).

Anh Thắng kể, học sinh nhỏ nhất lớp là 7 tuổi, lớn nhất là em sinh năm 1996. Ở đây đều là những em phải “lao” ra đời từ sớm, ban ngày bươn chải làm việc, phụ giúp gia đình mưu sinh, tối về mới tới lớp. Một số em rất muốn đi học nhưng vì hoàn cảnh phải nghỉ, bây giờ các em vẫn về đây thăm lớp mà không được học. Đó là điều mà anh Thắng luôn trăn trở.

Kết thúc một ngày dài, anh Thắng không nghỉ ngơi ngay mà dành thời gian để học thêm kiến thức trên mạng, anh thường đùa vui là “bác Google”. Anh học và đọc thêm nhiều thông tin, tìm hiểu các bài tập và giải theo nhiều hướng khác nhau, sau đó tìm cách truyền đạt đến các em sao cho dễ hiểu nhất.

Đến lớp học tình thương được 4 năm, em Nguyễn Thị Tường Vi (11 tuổi, học sinh lớp 2) đã xem nơi đây như “ngôi nhà thứ 2” của mình.

“Em tới đây học vì không biết chữ, ở dưới quê chỉ ở nhà giữ em chứ không được đi học. Ở đây, thầy Thắng dạy em tiếng Việt, làm Toán, thầy lúc nào cũng dặn em viết sao cho đàng hoàng, không viết xấu. Thầy hiền, không bao giờ la tụi em lớn tiếng. Nhờ có thầy mà em biết đọc, biết viết”.

Đã có lúc anh Thắng mong ước mình được… nghỉ dạy, nhưng nghỉ với nguyên do là các học trò nhỏ của anh đều có thể được đến trường học như bao người bạn cùng trang lứa.

“Tôi chỉ mong các em được đi học đàng hoàng ở trường, được đào tạo chính quy, lúc đó tôi mãn nguyện, tôi sẵn sàng giải tán lớp. Vì đây là sự chia tay trong niềm vui, chứ không phải vì khó khăn hay không đủ khả năng dạy” – anh giãi bày.

Nhìn lại hành trình 13 năm gieo chữ, đã có những học sinh thành tài nhưng cũng có những đứa trẻ vẫn còn phải bươn chải với cuộc sống đầy những khó khăn. Mỗi học trò đều mang một câu chuyện riêng, nhưng nghị lực của bọn trẻ chính là động lực để anh tiếp tục gắn bó với lớp học tình thương Long Bửu, tiếp tục là “thầy giáo bảo vệ” ấm áp trong lòng các em.

Sưu tầm (Nguồn Báo Tiền Phong Online)

Trả lời