“Cô gái võ thuật” của Biên phòng Bình Định

Chưa được phân loại

Biên phòng – “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”. Quả thật không sai khi nói về con gái Bình Định và còn ấn tượng hơn khi cô gái đó lại là một quân nhân quân hàm xanh-Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu, nhân viên Ban Tài chính, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định. Thượng úy Thu vừa tham gia Hội thao Thể thao quốc phòng năm 2024 và đoạt Huy chương Đồng nội dung 54-57kg, môn võ chiến đấu tay không. Trước đó, chị đã giành được Huy chương Vàng Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn lực lượng BĐBP, khu vực II năm 2020 và Huy chương Vàng Hội thao Thể thao quốc phòng trong BĐBP, khu vực II năm 2024.

Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu được huấn luyện viên sửa các động tác cơ bản trên sàn tập. Ảnh: Thanh Bình

Võ thuật không chỉ dành cho phái mạnh

Khi được hỏi, tại sao là một cô gái nhỏ nhắn, dễ thương như vậy lại đam mê võ thuật, Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu chỉ cười nhẹ và cho chúng tôi biết: “Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định, cái nôi của võ thuật, từ nhỏ, nhìn các anh, các chị đi trước múa võ đi quyền đã hun đúc trong tôi niềm đam mê với bộ môn này từ bao giờ không biết. Mặc dù biết mình là nữ, tập luyện võ thuật sẽ rất khó khăn, vất vả, nhưng bản thân tôi vẫn luôn nỗ lực, cố gắng. Tôi muốn khẳng định với mọi người rằng, “võ thuật đâu chỉ dành cho phái mạnh” và đến bây giờ, tôi rất vui khi mình đã có thành quả sau bao khó khăn và đem thành tích về cho gia đình, đơn vị”.

Rồi chị tâm sự với chúng tôi, những ngày đầu tiên tập luyện, chị không nghĩ là nó lại khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến vậy. Giai đoạn đầu, chị phải rèn các thế tấn, rồi làm quen với cách ngã, cách xuất quyền, tung cước… và các bài tập nâng cao như: Nhào lộn, vượt chướng ngại vật, nhảy cao… Những bài “vỡ lòng” ấy khiến mỗi sáng thức giấc, chị bị đau ê ẩm khắp thân người, đi lại vô cùng khó khăn, rồi có nhiều khi bị chấn thương, đau tái mặt, phải nghỉ tập cả thời gian dài; cũng nhiều khi chị đã có ý định từ bỏ để chơi một môn thể thao nào đó nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Bởi thực tế cho thấy, việc luyện võ đối với nam vốn đã không hề đơn giản, thì một cô gái chân yếu, tay mềm, không phải “con nhà nòi” như chị Thu thì khó khăn, thử thách này càng khó khăn gấp bội. Nhưng rồi, niềm đam mê võ thuật cùng sự khích lệ, động viên của gia đình, chị lại kiên trì luyện tập với quyết tâm cao độ.

Thượng úy Thu kể cho chúng tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là sau khi sinh em bé, thân hình mập lên rất nhiều, chỉ còn hơn hai tuần trước thi đấu, chị phải giảm 7kg để đúng hạng cân. Thế là, chị vừa phải tăng cường tập luyện, dậy sớm hơn để chạy bộ, giảm ăn, đến mức phải chạy cả buổi tối, rồi mặc thêm áo ấm, áo mưa giữa thời tiết gần 40 độ C để chạy. Có lần, vì không dám ăn uống nhiều mà chị bị tụt huyết áp, xém xỉu. Thời gian chuẩn bị cho các cuộc thi, cường độ tập tăng cao, nhiều lần, sau những bài đánh đối kháng, chân, tay, mặt mũi của chị bị bầm tím, sưng tấy; có lúc ngã bị trẹo chân, sái tay, phải nhờ đồng đội dìu, đỡ. Rồi những khi thực hiện sai động tác, bị trúng đòn đau, đến mức bật khóc. Đặc biệt không ít lần, chị Thu phải nằm nhà vài ba ngày vì chấn thương… Nhưng tất cả những sự thật khắc nghiệt ấy không làm cho cô gái đam mê võ thuật chùn bước. Hễ dứt những cơn đau, chị lại lao vào luyện tập mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ tối đa thời gian rảnh rỗi để học hỏi thêm đồng chí, đồng đội.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sau khi bén duyên vào BĐBP, công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định, Phạm Thị Xuân Thu được phân công là nhân viên Ban Tài chính, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định. Mặc dù công việc chuyên môn khá bận rộn, lại cộng thêm áp lực từ gia đình, con cái, nhưng cô gái ấy vẫn không từ bỏ. Chị Thu cho biết: “Mặc dù công việc, gia đình luôn bận rộn, con thì còn rất nhỏ, nhưng bản thân tôi luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, động viên của gia đình, cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng đội, do đó, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê, lên cho mình một thời gian biểu rõ ràng. Một ngày, tôi cố gắng dành một đến hai giờ cho việc tập luyện”. Với quyết tâm cao độ, cùng sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đầu tiên đã đến, năm 2020 và 2024, Phạm Thị Xuân Thu đoạt Huy chương Vàng Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn lực lượng BĐBP và Hội thao Thể thao quốc phòng trong BĐBP; Huy chương Đồng Hội thao Thể thao quốc phòng.

Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu (ngoài cùng, bên phải) cùng các hội viên phụ nữ BĐBP Bình Định tích cực tham gia công tác xã hội. Ảnh: Thanh Bình

Không chỉ giỏi võ thuật, Thượng úy Thu còn thường xuyên đại diện cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong đơn vị tham gia các hoạt động hội thi, hội thao do đơn vị tổ chức, và các hoạt động bề nổi như: tuyên truyền viên, phát thanh viên, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Phương châm hành động của chị là “Nói đi đôi với làm”. Với những thành tích đã đạt được, Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu đã được các cấp tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và năm 2024, chị được vinh dự đồng đội bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của BĐBP Bình Định.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của bản thân, Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu cho rằng, để có được thành công nhất định trong công việc, bản thân mỗi người phải có một niềm đam mê và tâm huyết thực sự. Từ đó, mới tạo được ý chí, nghị lực để vươn lên và hướng tới. Bên cạnh đó, trước bất kỳ khó khăn, vất vả, đôi khi cả hiểm nguy, mỗi người phải nghiêm khắc với bản thân, quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm, nhất là bài học của các thế hệ đi trước để từng bước hoàn thiện bản thân. Đối với chị em phụ nữ, cần phải vượt qua mặc cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngần ngại những công việc khó khăn, vất vả, những trọng trách lớn lao như những nam quân nhân.

Nhận xét về Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu, Đại tá Nguyễn Bá Bình, Phó Chính ủy BĐBP Bình Định phấn khởi chia sẻ: “Thượng úy Phạm Thị Xuân Thu, một nữ quân nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị học tập, noi theo”.

Thanh Bình – BĐBP tỉnh

Trả lời