Lẽ thường, trong giới tự nhiên hay trong xã hội, lượng chuyển đến “độ” thì chất đổi; tổ chức đông thì luôn tất mạnh. Nhưng, kỳ thực không phải bao giờ cũng thế! Lại thường còn bị che lấp bởi giả tượng. Nên người ta dễ lầm lạc hoặc tự huyễn hoặc mình về cái đông ngỡ là mạnh, về sự đổi tưởng đã là ra cái mới.
Chính thế, năm 1945, Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên trong 20 triệu đồng bào thôi, đã đủ sức làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất trong khu vực Đông Nam Á. Vì sao vậy? Vì, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất, cả nước góp sức, “chúng chí thành thành”, nhưng quan trọng nhất, mỗi người dân nước Việt là một nhân cách liêm sỉ, cháy bỏng tự do nên không thể để nước mất… Một người vì cả dân tộc, vì cả xóm làng và dòng tộc mình. Và vì, từng đảng viên trong 5.000 đảng viên của Đảng nguyện hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. “Đảng ta tuy đông nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”. Một đảng viên vì cả xã tắc non sông, vì toàn Đảng và vì danh dự của chính mình.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức tối 31-1-2024. Ảnh: TTXVN |
Rõ ràng, tiến hóa là sự tổ chức, tự tổ chức và vận động từ cái bên trong, bắt đầu từ mỗi thành viên, từ mỗi con người. Cố nhiên, để thúc đẩy sự tiến hóa đó nhanh hơn, không thể thiếu cái tác động bên ngoài với tính cách là điều kiện đủ. Nhưng, bên trong mới là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách căn bản hiện nay cũng như thế. Khi chúng ta lựa chọn, đã và đang tập trung vào đột phá những yếu tố cốt lõi là đảng viên và tổ chức cơ sở đảng, những nhân tố có vị thế nền tảng, rõ ràng cũng càng là như vậy.
Với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, trước hết và trực tiếp là chỉnh đốn về vị thế và tư chất đảng viên. Cùng với kết nạp người vào Đảng, không ngừng thanh lọc đội ngũ đảng viên, nhất là giải quyết tình trạng “đông nhưng không mạnh”, “hữu danh vô thực”, thậm chí dư luận râm ran, rất buồn lòng: “Đảng viên nhan nhản nhưng cộng sản hiếm hoi”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, không dưới hai lần nhấn mạnh thông điệp về yêu cầu đối với đảng viên, khi nhắc hai câu nói của V. I. Lênin: “Thà ít mà tốt”, “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần”.
Về trọng sự cơ bản này, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ cán bộ, đảng viên: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.
Vì vậy, để nâng cao vị thế, tư cách đảng viên và chất lượng đội ngũ đảng viên, không thể không coi trọng chất lượng phát triển Đảng, trước hết là kết nạp người vào Đảng. Chú trọng việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình Đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Ai “nếu sợ không phục vụ được nhân dân, không phục vụ được cách mạng thì đừng vào, hay khoan hãy vào Đảng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng với phương châm “thà ít mà tốt”… Để khắc phục tình trạng đảng viên “hữu danh vô thực”, việc phân công và đánh giá nhiệm vụ cụ thể của đảng viên gắn với trách nhiệm xã hội phải là thước đo chuẩn mực về chất lượng của đảng viên. Đảng viên không chỉ là thành viên của Đảng mà rộng hơn, là một công dân, một con người trong nhiều tư cách khác.
Vì lẽ đó, hơn 56 năm trước, những trăn trở ngày 19-8-1967 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về điều này, giờ còn nguyên giá trị: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.
Do vậy, mỗi đảng viên phải xứng đáng là một nhân cách chính trị thấm đẫm văn hóa. Nói cụ thể, phải là một nhân cách văn hóa chính trị, góp phần xây dựng Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.
Mặt khác, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Nếu một tổ chức vững mạnh, trước hết từng thành viên của tổ chức đó phải có phẩm chất tốt, thì đến lượt nó, mỗi đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải là một nhân tố xứng đáng ngang tầm với tổ chức đảng. Đây là trọng sự mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở và đòi hỏi.
Do đó, mỗi đảng viên, trước hết đảng viên giữ trọng trách trong Đảng hay bộ máy của hệ thống chính trị ở tất cả các cấp phải là tấm gương về tuân thủ đường lối, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa là nhân cách tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có trách nhiệm chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, chủ động kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân. Đến lượt mỗi tổ chức đảng, phải là nơi giáo dục, bồi dưỡng trước hết về chính trị đối với đảng viên, là môi trường tiêu biểu về dân chủ và kỷ cương để đảng viên thể hiện, khẳng định và rèn luyện mình; đồng thời, là môi trường kiểm soát một cách chặt chẽ và nghiêm khắc đảng viên, xứng đáng là cơ quan vừa bảo vệ vừa thanh lọc kịp thời đảng viên theo chức năng và nhiệm vụ của mình, dù đó là ai, giữ trọng sự gì. Đây là thước đo sự trưởng thành chính trị và phát triển toàn diện của tổ chức đảng.
Sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đảng lãnh đạo, cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, dưới ngọn cờ của Đảng. Sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên, tổ chức đảng là thước đo về uy tín và sức mạnh của mối quan hệ giữa đảng viên và tổ chức đảng với nhân dân.
Mỗi tổ chức đảng xứng đáng là một môi trường văn hóa chính trị để thực thi tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân vừa là “đứa con nòi” của dân tộc tiêu biểu về đạo đức, sáng ngời về văn minh.
Nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức đảng là một đại sự mệnh hệ đối với sinh mệnh chính trị, sức mạnh và uy tín lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong rất nhiều công việc, trước mắt và cả lâu dài, tối thiểu cần:
1- Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 95 Ngày thành lập Đảng (3-2-2025), có thể tổng rà soát toàn bộ đội ngũ đảng viên, trước hết đánh giá về thực trạng đội ngũ đảng viên; giải quyết mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, phải cần thiết loại bỏ những tiêu chí chung chung về số lượng. Phải kiên quyết gạt bỏ ra khỏi Đảng những phần tử có dấu hiệu thoái bộ, nhất là suy thoái, hủ bại, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, bản vị… Ở đây, thương yêu, bồi dưỡng đảng viên là điều không thể thiếu nhưng không vì thế mà buông lỏng kỷ luật đối với đảng viên, dù đó là ai…
2- Một bộ máy đảng mạnh mẽ và hiệu quả không phải do số lượng và quy mô mà chủ yếu và quyết định do chất lượng hoạt động. Theo đó, đánh giá tổng thể hiện trạng và quá trình cải tiến bộ máy đảng, nhất là những phương diện không hiệu quả. Nó phải được tổ chức lại một cách hợp lý, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận trong Đảng và trong toàn hệ thống chính trị. Đồng thời, chỉnh đốn những quy định về chuẩn mực về tư cách đảng viên, về sinh hoạt Ðảng và toàn bộ hoạt động của Ðảng.
Lưu ý rằng, tất cả các mối quan hệ trong Ðảng không thể dựa trên quan hệ bạn bè hoặc trên “lòng tín nhiệm” thiếu nguyên tắc và vô đạo lý, mà phải dựa trên Ðiều lệ Ðảng, “chỉ có sự chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ đó mới giúp chúng ta tránh được sự độc đoán và tùy hứng biểu hiện trong các tiểu tổ, tránh được những sự cãi vã ở tiểu tổ” không ngớt và chỉ tổ làm rối loạn tổ chức đảng, như V. I. Lênin từng cảnh báo.
3- Đánh giá tổng thể tín nhiệm đội ngũ đứng đầu các cấp ủy từ cơ sở, thay thế ngay những người không đủ uy tín và năng lực, không chờ đại hội hay hết năm. Lập kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. Cảnh giới và khắc phục sự thờ ơ, nể nang, né tránh, đoàn kết xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, tạo cơ hội cho những mầm mống tiêu cực, suy thoái nảy nòi và sinh sôi.
Công việc này sẽ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Việc xây dựng Đảng là vấn đề xây dựng tổ chức, xây dựng con người, không thể nôn nóng, càng không thể giản đơn, lựa chọn bước đi và phương pháp thích hợp. Dù cần phải có thời gian nhưng ngay từ bây giờ phải làm ngay từng bước cần làm, không do dự, không cầu toàn, càng không né tránh.
Nguồn: Báo QĐND
Ban Tuyên giáo tổng hợp