Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(TG) – Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, năm 2024, tổ chức tối 17/4 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; trong không gian của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài làm hưng thịnh cho đất nước của dân tộc; nơi mà cha ông ta đã khắc ghi 82 tấm bia tiến sĩ, trong đó có câu văn bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”, tôi rất vui mừng, phấn khởi đến dự Lễ khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, năm 2024.

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là người thầy cung cấp cho chúng ta nguồn tri thức vô tận, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ cao đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng ngời của việc đọc sách. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, Người đã chỉ rõ: Phải học ở đâu? “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.

Bác cũng từng căn dặn“Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc; Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Việc lựa chọn ngày 21/4 gắn liền với thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương  và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày sách tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, năm 2024.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, thiết thực và giàu ý nghĩa với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt là mô hình đường sách ở Thành phố Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước cùng với các chương trình khuyến đọc đã tạo ra không gian văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân; tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”. Hưởng ứng Ngày Sách, Hội Sách năm nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, công ty công nghệ sách đã tham gia tích cực, mang đến luồng sinh khí mới trong việc lan tỏa văn hóa đọc, cổ vũ thói quen đọc sách. Các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại Thủ đô Hà Nội, cũng như khắp mọi miền Tổ quốc góp phần thiết thực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Để sách đến gần hơn bạn đọc, để tri thức ngày càng được lan tỏa, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước, như Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản và các đơn vị liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

Thứ hai, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vận động sáng tác những tác phẩm, cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội. Khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn.

Thứ năm, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (ngày 23/4 hằng năm). Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia các hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, để bạn bè quốc tế biết tới truyền thống văn hóa, con người, xã hội Việt Nam, qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.

Một bạn đọc nhỏ tuổi tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, năm 2024.

Tương lai của đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức, ý chí và khát vọng. Văn hóa đọc phải là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức, được thấm đẫm trong mỗi người, mỗi tế bào của xã hội, để tâm hồn chúng ta không ngừng được bồi đắp về tri thức và những giá trị nhân văn cao cả, trở thành công dân có ích cho đất nước, đủ tự tin để bước ra toàn cầu.

Tôi mong rằng, toàn ngành xuất bản cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi chúc mừng 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành (10/10/1952 – 10/10/2022). Đó là: …Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.

TG

Trả lời