Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), sáng 16/11, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ trên không: Ý chí và niềm tin tất thắng”.
Tham dự hội thảo có Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học…
Chiến thắng “có một không hai”
Cách đây vừa tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân miền bắc mà nòng cốt là lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân đã tiến hành chiến dịch phòng không vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, làm nên chiến thắng vĩ đại “có một không hai” trong lịch sử – “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội.
Chiến thắng đã đập tan huyền thoại “pháo đài bay” của lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới.
Cùng với những thắng lợi to lớn đạt được trên chiến trường miền nam của quân và dân ta, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nhấn mạnh: Với tầm vóc lịch sử và ý nghĩa to lớn của chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, việc tổ chức hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ trên không: Ý chí và niềm tin tất thắng” nhằm tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; nghệ thuật tổ chức hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng phòng không tham gia chiến dịch; khẳng định vai trò to lớn của lực lượng phòng không 3 thứ quân, nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân.
Đồng thời, cuộc hội thảo lần này còn đánh giá làm sáng tỏ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc, qua đó thấy được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm vận dụng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 60 tham luận của các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân chủng. Đặc biệt, có một số tham luận của các đồng chí là nhân chứng lịch sử, trực tiếp chỉ huy, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không”.
Các tham luận được chuẩn bị công phu, lập luận chặt chẽ, được minh chứng bởi các số liệu cụ thể, đã phân tích sâu sắc hơn ý nghĩa của chiến thắng lịch sử; đánh giá nguyên nhân và rút ra được những kinh nghiệm quý; đồng thời, nêu bật các giải pháp để phát huy giá trị của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết, trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12/1972, Quân chủng Phòng không-Không quân đã phát huy vai trò nòng cốt trong lực lượng phòng không ba thứ quân, chủ động tìm ra cách đánh B-52 để đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đứng đầu thế giới.
Với tinh thần chiến đấu liên tục, kiên quyết, bền bỉ trong 11 ngày, 12 đêm, Quân chủng Phòng không-Không quân và các lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, đặc biệt đã tiêu diệt được 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111A. Trong thắng lợi to lớn đó, Quân chủng Phòng không-Không quân đã phát huy vai trò nòng cốt bắn rơi 54 máy bay các loại (chiếm 66,67%), trong đó đối tượng tác chiến chủ yếu là B-52 đã tiêu diệt 32 chiếc (chiếm 94,12%) với 16 chiếc rơi tại chỗ (chiếm 100%), ba lực lượng tên lửa, không quân và pháo cao xạ đều bắn rơi B-52.
“Đến nay, lịch sử nhân loại ghi nhận chỉ có duy nhất Việt Nam đánh bại B-52, không những ta tiêu diệt mà còn tiêu diệt số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Chiến thắng B-52 là chiến thắng vang dội, không phải bỗng dưng có được, đó là kết quả của quá trình quân và dân ta chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng, bền bỉ, vượt qua hy sinh, gian khổ. Khẳng định vai trò nòng cốt trên mặt trận đối không của bộ đội Phòng không-Không quân trong tác chiến phòng không nhân dân”, Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn nhấn mạnh.
Bài học kinh nghiệm quý báu
Có mặt tại Hội thảo, Đại tá Đinh Thế Văn-Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361 nhớ lại: Thực tiễn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào miền bắc nước ta cuối tháng 12/1972 đã chứng minh, mỗi khi B52 vào đánh Hà Nội thì có hàng trăm loại nhiễu: nhiễu từ xa, nhiễu trong đội hình, nhiễu tiêu cực, nhiễu rãnh đạn… Tiểu đoàn mở màn hình, mở máy thu nhiễu đều thấy màn hình trắng xóa. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và được huấn luyện kỹ về cách phân biệt nhiễu thật, nhiễu giả B-52, tiểu đoàn đã tìm ra cách giải nhiễu B-52 ngay từ xa và bắn hạ được nhiều B-52 trên bầu trời Hà Nội.
“Tiểu đoàn 77 có công tác chuẩn bị rất đầy đủ, ngay đêm 18/12, chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B52 ở Thanh Oai, Hà Tây 9 (cũ) bằng phương pháp vượt nửa góc (phương pháp ưu việt nhất của khí tài SAM-2)”, Đại tá Đinh Thế Văn kể.
Đại tá Đinh Thế Văn cũng khẳng định, thắng lợi của chiến dịch phòng không tháng 12/1972 lập thêm một chiến công oanh liệt – “Điện Biên Phủ trên không” trong lịch sử chống ngoại xâm trên mảnh đất nghìn năm văn hiến: Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Đó cũng là mốc son chói lọi, biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam nói chung, của bộ đội Phòng không-Không quân nói riêng trong đó có Tiểu đoàn 77”.
Tại hội thảo lần này, thuật lại những giờ phút hào hùng của 12 ngày đêm lịch sử, các đại biểu tham gia đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến thảo luận bổ ích, các bài học kinh nghiệm quý báu vừa làm phong phú thêm kho tàng lý luận nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân nói riêng, vừa có giá trị thực tiễn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân nhấn mạnh, 50 năm đã trôi qua, thắng lợi của Chiến dịch phòng không cuối tháng 12/1972 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, vẫn còn nguyên giá trị để ta vận dụng, linh hoạt sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
“Xác định đúng đối tượng tác chiến đối với lực lượng phòng không luôn là điều vô cùng quan trọng trong cuộc đối đầu không cân sức, chọn đúng đường bay chủ yếu mà địch vào đánh phá mục tiêu bảo vệ là tạo điều kiện để bố trí lực lượng, để đánh được địch dọc trên cả đường bay (có thể từng đơn vị đánh, có thể tập trung nhiều đơn vị cùng đánh) vào 1 điểm sẽ tiêu diệt lớn, và còn sẵn sàng chi viện được cho nhau trong tác chiến. Đây chính là những nét đặc sắc của của nghệ thuật tác chiến phòng không, là yếu tố quyết định của cách đánh chiến dịch, để tổ chức đánh địch hiệu quả từng trận đánh trong các trận then chốt, then chốt quyết định, tiến tới giành thắng lợi chiến dịch”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt khẳng định.
Báo Nhân dân