“THỰC LỰC LÀ CÁI CHIÊNG MÀ NGOẠI GIAO LÀ CÁI TIẾNG”(1)
Nhất quán tư tưởng xuyên suốt “nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”(2), trên những chặng đường cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ luôn “tin vào sức ta trước hết: Chỉ có nỗ lực mới làm cho ngoại giao toàn thắng”(3); luôn coi độc lập, tự chủ là nền tảng vững chắc để thực thi đường lối đối ngoại, ngoại giao, mà còn đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của cách mạng thế giới để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã được triển khai, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1961 _Ảnh: TTXVN
Thực tế, việc thấu triệt quan điểm “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(4) và “sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(5) đã được triển khai thành công từ sau Hội nghị Trung ương Tám (5/1941); trong thời kỳ chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)…, mà còn được tiếp tục thực hiện linh hoạt, chủ động trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng trên tinh thần nhất quán quan điểm: “Lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”(6). Đó chính là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa vì lợi ích quốc gia – dân tộc trên tinh thần phát huy nguồn sức mạnh nội lực (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…) gắn liền với khai thác, tranh thủ ngoại lực, “thêm bạn bớt thù” nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để kiên quyết, khôn khéo thực hiện mục tiêu của cách mạng và bảo vệ quyền lợi quốc gia – dân tộc.
Đó không chỉ là căn cốt của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, mà còn tiếp tục được khẳng định trong văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966)_Ảnh: Tư liệu
Kiên định thực hiện đường lối đổi mới; kiên định thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(7) và “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”(8), phấn đấu vì hòa bình, độc lập, phát triển đã trở thành hiện thực sinh động khi Việt Nam đã, đang, tiếp tục là một quốc gia chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới. Thực tế là, nhất quán về nguyên tắc, mục tiêu, song linh hoạt, khôn khéo về sách lược; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đến nay “Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính…
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài”(8). Đồng thời, Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Những “con số” biết nói nêu trên không chỉ khẳng định một sự thật lịch sử là “Việt Nam đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sau những năm dài chiến tranh, vươn mình phát triển về mọi mặt để xây dựng, củng cố vị thế, thực lực của mình; không chỉ là một quốc gia độc lập, có tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hoà bình (hòa bình, độc lập thật sự), mà còn đồng khẳng định độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là mục tiêu của đường lối đối ngoại, ngoại giao. Đó chính là tâm thế của một Việt Nam luôn độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị với các nước trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của nhau; không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng, hai bên cùng có lợi và cùng chung sống hoà bình, đậm bản sắc dân tộc Việt trong thời đại mới, nên đã đẩy lùi được chính sách cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia, các cường quốc, các trung tâm hàng đầu thế giới.
Các nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei và Nam Sudan _Nguồn: dantri.com.vn
THẾ VÀ LỰC CỦA VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO
Kiên định con đường cách mạng Việt Nam- con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao độc lập, tự chủ coi đây vừa là mục tiêu cao nhất vừa là nguyên tắc bất biến bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia – dân tộc. Những thành tựu đạt được từ việc nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam “đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(10) không chỉ được các tầng lớp nhân dân tin tưởng; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; được bạn bè quốc tế ủng hộ, tôn trọng, mà còn góp phần làm nên một Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực vị thế, và uy tín quốc tế như ngày nay”, tạo cho đất nước ta có thế và lực không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Với nguyên tắc bất biến là “bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; còn sách lược mềm dẻo, khôn khéo, song rất quyết liệt; linh hoạt, đổi mới, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường; “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”(11), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ việc cần phải “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương… Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”(12).
Sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9/2023, không chỉ thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam. Đó không chỉ là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về “trái ngọt” của một quá trình “gieo trồng”, gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao, cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, mà còn mở ra không gian cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới…
Sự kiện Việt Nam – Nhật Bản nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 27-30/11/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước, với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, mà còn góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước; mở ra một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ, sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới…
Sự kiện Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc “Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình ngày 12 – 13/12/2023; trong đó: “Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” và Trung Quốc “cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị”… không chỉ cho thấy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, hợp tác trong các lĩnh vực đạt tiến triển tích cực, toàn diện, mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển, phồn vinh ở khu vực và thế giới…
Cùng với những hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân khác, 3 sự kiện quan trọng nêu trên chính là những minh chứng sinh động nhất cho bản sắc đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Đó chính là: “Vững ở gốc là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia – dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập – tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối. Chắc ở thân là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng… Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Uyển chuyển ở cành là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”(13) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đặc biệt, việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản năm 2023 không những cho thấy vai trò, vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mà còn thể hiện bản lĩnh của những người lãnh đạo đất nước. Đó chính là một Việt Nam luôn “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”; đồng thời luôn “đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc” và “biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt” để “để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát huy mạnh mẽ lợi ích quốc gia – dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, để vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”(14)./. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)
Ban Tuyên giáo tỉnh đoàn tổng hợp
Chú thích
(1) (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.320, 320
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr.265
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.57
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.445
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.13
(7) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.101, 162-163
(8) Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.25
(9) (10) (11) (13) (14) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.31, 56, 39, 56-57, 58