Đoàn Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ tổ chức Hành trình đến với địa chỉ đỏ

Chưa được phân loại
Ngày 15/9/2024, Đoàn Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ tổ chức cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên tại Cơ sở 1 Hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Di tích Trại giam Nữ tù binh binh Phú Tài. Tham gia hành trình có 50 cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên.

 Di tích Trại giam Nữ tù binh Phú Tài là Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống Cách mạng trên quê hương Bình Định. Ban đầu trại mang tên “Trại giam tù phiến cộng Qui Nhơn”; sau đó được đổi thành “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam – Phú Tài Qui Nhơn”. Hiện nay, di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống Cách mạng của quê hương Bình Định.

Với những giá trị lịch sử sâu sắc đó, năm 2002, di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công trình xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử Trại giam nữ tù binh Phú Tài được đầu tư xây dựng và hoàn thành năm 2017, với tổng diện tích 6.268m2 gồm các hạng mục: hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh…ở khu vực trung tâm là tượng đài bằng chất liệu đá xanh với chủ đề: “Ca ngợi sự anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong lao tù”. Tượng đài và bệ tượng có tổng chiều cao 11,66m; gồm 3 nhân vật nữ tượng trưng cho 3 miền Bắc – Trung – Nam. Dù tay bị xiềng xích nhưng các nhân vật vẫn thể hiện dáng đứng hiên ngang, những động tác mạnh mẽ, phản kháng, dũng cảm đấu tranh với địch trong nhà giam, như muốn phá tan xiềng xích. Phía sau các bức tượng và phần bệ tượng có mô phỏng hình ảnh phòng giam.  Ngày 18.5.2022, tập thể nữ tù binh Nhà tù Phú Tài được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đây là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa”. Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trả lời