Trần Phú với quá trình hấp thụ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
Trần Phú là một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt của Đảng ta, là một thanh niên yêu nước cách mạng nổi bật trong lớp thanh niên sinh ra và lớn lên vào đầu thế kỷ XX, được hun đúc bởi truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại, đã tự rèn luyện, trưởng thành và trở thành một trong những lãnh tụ thế hệ đầu của Đảng, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, tên tuổi của đồng chí gắn liền với bản Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng ta.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú trải qua những năm tháng đau buồn và cơ cực. Truyền thống quê hương và tên tuổi các anh hùng, nghĩa sĩ làm rạng danh đất nước đã để lại cho Trần Phú những ấn tượng sâu sắc; góp phần hình thành ở người thanh niên này một nghị lực phi thường, lòng yêu nước sâu sắc, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, hun đúc nên tinh thần học hỏi, tìm cách báo thù nhà, đền nợ nước.
Thời gian học tập ở trường Quốc học Huế, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng, như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn… và lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bên cạnh những người bạn tốt, Trần Phú còn được những thầy giáo tâm huyết quan tâm dạy dỗ. Trong những người thầy có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng yêu nước và cách mạng của Trần Phú phải kể đến thầy Võ Liêm Sơn – là người bạn thân của Nguyễn Tất Thành thời kỳ Người học ở đây. Được thầy quan tâm dạy bảo, khơi dậy tinh thần yêu nước, Trần Phú sớm xác định con đường đi đúng đắn, đó chính là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tại Huế, Trần Phú có điều kiện tiếp xúc và nhận ra rõ hơn bản chất của bọn thực dân và bè lũ phong kiến tay sai. Năm 1916, cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân không thành. Vua Duy Tân, linh hồn của cuộc khởi nghĩa, bị bắt và bị đi đày. Những người lãnh đạo bị xử tử, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Cũng tại Huế đã diễn ra hàng loạt cuộc bãi khoá của học sinh phản đối nền giáo dục thực dân.
Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung, tuy nhiên, Trần Phú đã từ chối con đường quan trường và chọn con đường dạy học. “Mục đích làm thầy giáo của anh không phải để tạo ra lớp người “thông, phán” làm tay sai cho thực dân, mà anh muốn lợi dụng cơ hội “làm thầy” để tạo ra lớp người có ích cho dân, cho nước”(1) với mong muốn đào tạo được lớp người có lý tưởng, hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tất cả bầu nhiệt huyết, Trần Phú truyền cho học sinh tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cho tự do, độc lập, cho một xã hội bình đẳng, không còn áp bức, bất công. Sau khi tốt nghiệp thành chung, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh; ngoài giờ dạy, Trần Phú thường đưa học sinh đi thăm các di tích lịch sử thờ các vị anh hùng dân tộc. Trong các buổi dã ngoại đó, người thanh niên yêu nước đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc và quê hương.
Năm 1922, khi Trần Phú chính thức đi vào con đường cách mạng, cũng là thời điểm mà các hoạt động cách mạng sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Pa-ri đã có tiếng vang mạnh mẽ về trong nước: Người đưa Yêu sách của nhân dân An Nam tại Hội nghị Véc-xây, gia nhập Đảng Xã hội Pháp, tham dự Đại hội Tua, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản Báo Người Cùng khổ (Le Paria)... Tiếp theo đó là những tin tức về “tiếng bom Sa Diện” của Phạm Hồng Thái (tháng 6-1924), việc Nguyễn Ái Quốc về tới Quảng Châu (tháng 11-1924)… đã làm cho kẻ thù hoảng sợ và làm nức lòng những người Việt Nam yêu nước.
Tình hình trong nước thời gian này có những chuyển biến lớn, tác động không nhỏ đến các thanh niên yêu nước, trong đó có Trần Phú. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) cũng là một trong những cái nôi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam với hàng vạn người lao động trong các nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy điện, nhà máy cưa, nhà máy diêm… Họ vốn là những người nông dân bị thực dân Pháp chiếm ruộng lập nhà máy, phải ra thành phố kiếm sống. Cuộc sống nghèo nàn, đau khổ, bị áp bức, bóc lột tàn tệ khiến họ sớm nổi dậy đấu tranh dưới các hình thức biểu tình, bãi công, bãi thợ; đồng thời lôi cuốn cả bà con là nông dân và dân nghèo thành thị tham gia.
Là một thanh niên trí thức yêu nước, trăn trở tìm đường cứu nước, Trần Phú đã gia nhập Hội Phục Việt và sớm trở thành một “hạt nhân” của tổ chức này. Trần Phú hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của Hội và cũng nhận thấy đường lối của Hội chưa được xác định rõ ràng. Trong lúc đó, ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng mạnh lên, thu hút nhiều phần tử tiên tiến của Hội Phục Việt, điều đó đã tác động đến sự lựa chọn của Trần Phú. Trần Phú quyết định thôi nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ chủ nghĩa yêu nước, Trần Phú đến với lý tưởng cộng sản. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Qua truyền thụ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú rất thấm thía lời dạy của V.I. Lê-nin trong tác phẩm Làm gì?: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(2). Tại lớp huấn luyện chính trị đặc biệt ở Quảng Châu, Trần Phú say mê học tập lý luận, tỏ rõ khả năng tư duy lý luận của mình. Trần Phú được kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Có thể nói, hạnh phúc đối với Trần Phú là từ khát khao đi tìm lý tưởng đã bắt gặp được lý tưởng và quyết tâm đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi, sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.
Trần Phú với những hoạt động yêu nước cách mạng, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong những ngày đầu mới thành lập
Được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi còn rất trẻ, đồng chí Trần Phú đã thể hiện là một nhà lý luận sắc bén, góp phần quan trọng vào việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam. Đồng chí cũng là người rất chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cách mạng, vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn để lãnh đạo công nông trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nói đến Trần Phú, không thể không nhắc đến bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Dự thảo Luận cương chính trị được soạn thảo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928, đồng thời được bổ sung bằng những kết quả tổng kết từ thực tiễn phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Dự thảo Luận cương chính trị có sự đóng góp của trí tuệ tập thể, song phần đóng góp trực tiếp nhất là của đồng chí Trần Phú.
Trên cơ sở phân tích những đặc điểm kinh tế – xã hội, sự phân hóa giai cấp ở Đông Dương, Luận cương chính trị chỉ rõ: Cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng đó có nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng này là sự lãnh đạo của một đảng cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, liên hệ mật thiết với quần chúng; cách mạng Đông Dương muốn thắng lợi phải lấy công nông làm động lực chính. Con đường đi tới thắng lợi phải là con đường bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là kết quả có ý nghĩa lớn trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương để vạch ra mục đích, nhiệm vụ, bước đi (hai giai đoạn cách mạng), động lực cách mạng và vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với thắng lợi của cách mạng Đông Dương… Cùng với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng củng cố và tăng cường”(3).
Đồng chí Trần Phú cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cao trào công nông toàn quốc, uốn nắn phong trào khi mắc sai lầm, bị khủng bố trắng, bảo vệ con đường và lý tưởng cách mạng đã lựa chọn. Đồng chí hết sức chú trọng việc tổ chức, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, định hướng cho quần chúng đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). Đồng chí sớm tiến hành thành lập các cơ quan ngôn luận của Đảng; tháng 12-1930, cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản nhằm “mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém” trong công tác của Đảng, đồng thời cũng để đăng “những bài luận, giải thích” nhằm tạo diễn đàn cho “các đồng chí có thể bày tỏ ý kiến”. Đồng chí Trần Phú cũng đã lập ra Ban Tuyên truyền do một đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Điều đó chứng tỏ Tổng Bí thư Trần Phú rất coi trọng công tác tư tưởng – lý luận; có ý thức sâu sắc về vai trò của nó đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua thực tiễn lãnh đạo và đấu tranh, số lượng đảng viên của Đảng đã tăng lên nhanh chóng(4).
Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú, bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đăng trang trọng trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932, đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng. Chỉ trong khoảng 1 năm (từ tháng 4-1930 đến tháng 4-1931), Đảng chúng tôi đã có thể tổ chức được 2.400 đảng viên vào Đảng; 1.500 đoàn viên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản; 6.000 người vào Công hội đỏ, và 64.000 người vào các hội nông dân; lãnh đạo hơn 100 cuộc đình công của công nhân và 400 cuộc biểu tình của nông dân; trong 17 vùng thuộc bắc Trung Kỳ, Đảng đã có thể lập nên chính quyền xôviết trong một thời gian”(5).
Trần Phú với cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản để “bônsêvích hóa” Đảng
Tấm gương lớn về đạo đức của người cộng sản Trần Phú còn thể hiện trong việc đấu tranh không ngừng chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản có hại cho Đảng, đấu tranh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này được thể hiện ngay từ khi đồng chí Trần Phú đang học tại Trường Đại học Phương Đông. Trên cương vị Bí thư của nhóm Đông Dương, mỗi tuần, Trần Phú tổ chức cho nhóm sinh hoạt một lần. Góp ý kiến vào bản tham luận của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản, Trần Phú và nhóm những anh em Đông Dương đã đưa vấn đề “phê phán quan điểm sai lầm của một số người quốc gia tư sản cho rằng Đông Dương không có giai cấp vô sản”(6). Trần Phú và các đồng chí của mình đã nêu những dẫn chứng cụ thể “khẳng định ở Đông Dương giai cấp vô sản đã hình thành, tập trung, là giai cấp tỏ rõ năng lực cách mạng to lớn của mình trong phong trào đấu tranh của những năm 1925, 1926, 1927”(7).
Sau khi về nước, được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị và các nghị quyết của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc “bônsêvích” hóa Đảng về mặt tư tưởng.
Tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3-1931), Tổng Bí thư Trần Phú khẳng định đứt khoát phải: “Khai chiến quả quyết với hoạt đầu chủ nghĩa trong Đảng. Hoạt đầu chủ nghĩa trong Đảng đã rõ rệt, nếu còn không quả quyết khai chiến với nó, quyết liệt bới rễ nhổ gốc của nó trong Đảng thì không thể nào mong đào tạo cho Đảng được một nền tư tưởng cộng sản thống nhất”(8). Tổng Bí thư Trần Phú chỉ rõ trách nhiệm của mỗi đảng viên, mỗi cơ quan chỉ huy là “phải quả quyết tranh đấu về mặt tư tưởng, chẳng những chống với hoạt đầu chủ nghĩa mà thôi mà lại phải chống với cái thái độ lãnh đạm hay đề huề hay là tư vị, kiêng nể đối với hoạt đầu chủ nghĩa nữa vì cái thái độ này lại càng nguy hiểm cho Đảng hơn nữa”(9).
Để bảo vệ Đảng, bên cạnh việc xác định nhiệm vụ cho mỗi đảng viên, cho toàn Đảng là phải đấu tranh với bọn hoạt đầu chủ nghĩa (cơ hội chủ nghĩa), đồng chí Trần Phú khẳng định rõ: “Đảng Cộng sản là đảng của vô sản giai cấp, là bộ tham mưu lãnh đạo vô sản giai cấp làm cách mạng, phá đổ chế độ tư bản mà thực hiện chế độ cộng sản”(10).
Trong Thư gửi Quốc tế Cộng sản viết ngày 17-4-1931 (tức một ngày trước khi bị sa lưới kẻ thù), đồng chí Trần Phú đã nêu lên một số nhận thức và hiện tượng không đúng, như “hiểu Đảng không như Đảng của giai cấp vô sản mà như Đảng của tất cả những ai bị bóc lột và áp bức”, “sự phân biệt giữa công nhân chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, coi những người công nhân không chuyên nghiệp mới là những phần tử cách mạng chân chính”, “từ bỏ các tổ chức tự vệ, cho rằng nó dẫn quần chúng tới việc khởi nghĩa trước thời hạn, tới bạo tàn và khủng bố”(11)… Trong thư, Trần Phú chỉ ra: “Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ hai tổ chức vào cuối tháng 3-1931 đã thừa nhận sự tồn tại công khai một chủ nghĩa cơ hội ở Bắc Kỳ. Những tháng vừa qua đã chứng minh rằng: tất cả thành viên của các nhóm cũ thống nhất lại là một lực lượng chống đối mới về tư tưởng… Do đó, cái quan tâm đầu tiên của chúng tôi là giải thích sự cần thiết cấp bách tiến hành một cuộc đấu tranh tích cực về tư tưởng, chống lại chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn ở trong Đảng…”(12).
Viết về tấm gương đạo đức của đồng chí Trần Phú trong việc chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản để bảo vệ Đảng, trong bài viết Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đăng trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản năm 1932 nêu rõ: “Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn vào việc “bônsêvích hóa” về tư tưởng trong hàng ngũ đảng chúng tôi. Rất nhiều văn kiện chính trị của Hội nghị lần thứ I (tháng 10-1930) và Hội nghị lần thứ II (tháng 3-1931) Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng tôi, do đồng chí trực tiếp soạn thảo hay được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của đồng chí, trong đó những nguyên tắc, chiến lược và sách lược bônsêvích đã được trình bày một cách sáng sủa và đúng đắn. Trong những nghị quyết chính trị và những thông báo của Trung ương cũng như các tài liệu tuyên truyền hay bài viết trên báo chí, đồng chí Trần Phú luôn luôn là người bênh vực không mệt mỏi về mặt lý luận và thực tiễn của những người mácxít – lêninnít và là người chống lại say sưa không kém mọi sự làm lệch lạc đường lối chính trị chung của Quốc tế Cộng sản”(13)…
Trần Phú và ý chí đấu tranh kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân lên trên hết, trước hết
Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Những tưởng qua khai thác người giữ trọng trách cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương là có thể nắm được toàn bộ bí mật của Đảng, từ đó mà tiến hành khủng bố, đàn áp, đè bẹp được phong trào cách mạng Việt Nam, kẻ địch đã không từ một thủ đoạn nào để dụ dỗ, tra tấn, kìm kẹp, hòng khuất phục đồng chí Trần Phú.
Là một người cộng sản chân chính, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Trần Phú luôn giữ vững chí khí chiến đấu. Bị sa vào tay giặc, bị đày đọa trong khắp các nhà giam, bị tra tấn dã man, nhưng người chiến sĩ cộng sản trung kiên Trần Phú vẫn bình tĩnh, luôn luôn chủ động tiến công kẻ thù. Những đòn tra tấn man rợ của kẻ thù vẫn không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của Trần Phú. Đồng chí đã dõng dạc trả lời kẻ thù rằng: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích. Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”(14). Tuy bị giam giữ nơi tù ngục của đế quốc, Trần Phú và các chiến sĩ cộng sản Đông Dương vẫn không ngừng hoạt động. Các đồng chí tìm mọi cách bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở bên ngoài nhà tù, quyết tâm khôi phục phong trào. Trong những ngày bị giam ở Khám Lớn – Sài Gòn, Trần Phú thường xuyên trao đổi với anh chị em tù về tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam; tổ chức những buổi huấn luyện chính trị cho những người cộng sản cũng bị tù đày; căn dặn anh em tù phải luôn luôn giữ vững tinh thần, đặt niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng chí của mình ở nhà thương Chợ Quán vào ngày 6-9-1931, Trần Phú dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”(15). Lời nhắn gửi này có giá trị động viên rất to lớn trong hoàn cảnh kẻ thù đang ra sức đàn áp, hòng tiêu diệt Đảng ta.
Báo chí cộng sản trong nước và quốc tế đã viết nhiều bài ca ngợi lòng trung thành và tấm gương hy sinh cao cả của Trần Phú. Ở Mát-xcơ-va và nhiều cơ sở cách mạng ở trong nước, lễ truy điệu đồng chí đã được tổ chức. Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932 đã đăng bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn viết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”(16).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(17),“Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”(18).
Tổng Bí thư Trần Phú mất khi còn rất trẻ, lúc vừa 27 tuổi, độ tuổi đang giàu sức sáng tạo và tràn đầy sức lực cống hiến cho cách mạng, đã để lại trong những người cộng sản, trong Đảng, trong anh em, đồng chí, trong nhân dân lòng tiếc thương vô hạn. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú hiến dâng cho cách mạng tuy không dài, nhưng đồng chí là một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng cho mỗi chúng ta. Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư của Đảng ta đã mất nhưng tên của đồng chí sống mãi không những trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, mà còn sống mãi trong lòng nhân dân lao động Đông Dương trong thời đại hiện nay và sau này. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẽ mãi mãi cổ vũ chúng ta và các thế hệ mai sau trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo các mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cán bộ, đảng viên hôm nay noi gương đồng chí Trần Phú đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết
Học tập, noi gương và phát huy tinh thần cộng sản trong sáng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết của đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định đây là một phẩm chất đạo đức cách mạng “chủ chốt nhất” cần phải có của người đảng viên cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (tháng 12-1958) rằng: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất… Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(19).
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn. Cuộc sống của nhân dân ta ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc; đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Đảng xác định: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ… trên tinh thần lợi ích quốc gia – dân tộc là trên hết”(20).
Thành quả đó có phần đóng góp quan trọng của các thế hệ đi trước, thế hệ những người cộng sản tiền bối, trong đó có Tổng Bí thư đầu tiên – đồng chí Trần Phú.
Tình hình quốc tế hiện nay có nhiều đổi thay với những diễn biến phức tạp, kẻ thù luôn tìm cách phá hoại công cuộc đổi mới, thực hiện “diễn biến hòa bình” mọi lúc, mọi nơi nhằm làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào lý tưởng và con đường cách mạng, từ bỏ đấu tranh giai cấp, thỏa hiệp với các tư tưởng phi vô sản, lôi kéo những phần tử có lập trường không vững vàng hòng gây “tự diễn biến”, “tự chuyển biến” trong nội bộ Đảng, phá hoại công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, tấm gương suốt đời vì cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú mãi mãi soi sáng cho các thế hệ những người cộng sản hôm nay. Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” của đồng chí Trần Phú có tác dụng thôi thúc, cổ vũ cán bộ, đảng viên hôm nay giữ vững lập trường cách mạng, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, kiên định con đường đã lựa chọn, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù để đưa đất nước ta tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.
———————
(1) Đức Vượng: Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1930-1931), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.11
(2) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.279
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.407
(4) Xem Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.156-157
(5) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd, tr.160
(6) Đức Vượng: Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1930-1931), Sđd, tr. 46
(7) Đức Vượng: Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1930-1931), Sđd, tr.46
(8), (9) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.2, tr.97
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.2, tr.107
(11) Thư của Trần Phú gửi Quốc tế Cộng sản, viết ngày 17-4-1931, bản dịch tiếng Nga. Hồ sơ của Quốc tế Cộng sản, số 495- tr. 154-462 (Xem Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd)
(12) Thư của Trần Phú gửi Quốc tế Cộng sản, Tlđd
(13) Xem Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd, tr.160- 161
(14) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd, tr.144
(15) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd, tr.145
(16) Xem Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú – Tiểu sử, Sđd, tr.162-163
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.309
(18) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Sđd, tr.56-57
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25-26
BTG tổng hợp