Gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc thông qua Câu lạc bộ Cồng chiêng tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh

Tin tức 2017
Công cuộc phát triển kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc, bộ mặt các huyên miền núi được khoác lên màu áo mới ngày càng tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, sự giao thoa văn hóa đang dần làm mất đi bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cần phải khôi phục các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Câu lạc bộ cồng chiêng của Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định là một trong những đội cồng chiêng còn duy trì sinh hoạt thường xuyên, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Câu lạc bộ ban đầu với 10 thành viên là học sinh các khối lớp đang theo học tại trường đến nay đã phát triển hơn 20 thành viên. Với đặc thù riêng của trường các em chủ yếu là người dân tộc Chăm, Bana, H’re, … thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn vì thế để có một chương trình tập luyện thường xuyên, có bài bản với các nội dung cụ thể Đoàn trường đã gặp rất nhiều khó khăn. Để câu lạc bộ duy trì đến bây giờ Đoàn trường đã tham mưu nhà trường trang bị một bộ cồng chiêng cho câu lạc bộ một bộ cồng chiêng để các thành viên có thể tập luyệnđồng thời câu lạc bộ cũng phát triển them đội múc xoan để biểu diễn cùng với đội cồng chiêng. Ngoài nhiệm vụ truyền thụ kiến thức phổ thông thì Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định còn luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường. Không ngoài mục đích ấy Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và duy trì sinh hoạt thường xuyên; câu lạc bộ cồng chiêng cũng đã có mặt xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Đoàn trường đến nay.

 Hàng năm, vào dịp tháng 3 Đoàn trường sẽ tổ chức đêm giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số giữa các học sinh của các huyện với nhau. Trong đêm giao lưu này các em học sinh sẽ được hòa trong âm thanh rộn rã của cồng chiêng, giai điệu mượt mà của các  nhạc cụ dân tộc, những bài hát của đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh bên ánh lửa bập bùng đó là hồn thiêng của núi rừng. Em Đinh Y Hoan thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Em là người dân tộc Ba na ở huyện Vĩnh Thạnh được học và tham gia câu lạc bộ của trường đã giúp em tự tin có thể biểu diễn nhạc cụ riêng của dân tộc em, qua đó còn giúp em có them động lực đầu tư nhiều thời gian tập luyện để mang đền cho mọi người những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân tộc mình”.

Điển hình, năm 2016 Đoàn trường phối hợp với Ban văn thể mỹ đã tổ chức đêm giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số tại nhà trường. Trong đêm giao lưu này Đoàn trường đã mời các nghệ nhân hát dân ca, đánh đàn Tơ rưng, đàn goong, trống Ktoang, … của các huyện miền núi về trình diễn cùng với các đội cồng chiêng của nhà trường. Thông qua các hoạt động của Câu lạc bộ đã được đánh giá cao về ý nghĩa giáo dục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định của Đoàn trường.

Hiện nay, các đội cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc của Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định đang ráo riết luyện tập để đến tháng 3 năm 2017 này, một lần nữa âm sắc núi rừng lại vang lên giữa lòng thành phố, nói lên sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây, những cánh chim non trẻ sẽ hấp thu tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, kiến thức của nhân loại vươn mình bay cao, bay xa góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trả lời