Để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực sự có hiệu quả, cần xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, với niềm tin vào thắng lợi và góp phần tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc; tuyệt đối tránh hiện tượng chiếu lệ, hình thức, nói không đi đôi với làm.
LÒNG YÊU NƯỚC, NIỀM TIN THẮNG LỢI – GỐC RỄ LÂU BỀN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, hồn cốt tạo nên những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ, từ nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta phát triển, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối phù hợp, đúng đắn; cụ thể hóa trong chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước đi vào vào quần chúng nhân dân thông qua công tác tư tưởng, biến thành hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “…Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra. Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”(1).
Vậy nên, để tiếp tục giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng, tất yếu phải bảo vệ Đảng. Muốn bảo vệ Đảng, trước hết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Suy cho cùng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ chính là bảo vệ cuộc sống, văn hóa, con người, cốt cách, trí tuệ Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng không chỉ là việc của cán bộ, đảng viên mà là của mọi tầng lớp nhân dân.
Sự thâm độc của các thế lực phản động, thù địch là dùng mọi thủ đoạn tấn công vào “cái gốc”, tức là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng thủ tiêu vai trò lãnh đạo, triệt tiêu con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Từ đó, chúng xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi “thực hiện cạnh tranh chính trị, thiết lập chế độ đa đảng”(2). Cùng với đó là sự xuyên tạc, phủ nhận thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; khoét sâu sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng; xuyên tạc đoàn kết nội bộ và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Do đó, Đảng ta đã xác định, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà tuyên giáo là lực lượng nòng cốt; đồng thời là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu(3).
Nhiệm vụ cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay càng đòi hỏi phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vì những lý do sau: 1) xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác nay đối với xây dựng Đảng và đối với quá trình xây dựng đất nước; 2) xuất phát từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; 3) xuất phát từ bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, đặc biệt là từ sự tan rã, sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu; 4) xuất phát từ thực tế ở trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo dức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Song, để công tác này có hiệu quả, cần xuất phát từ trái tim yêu nước, có niềm tin chiến thắng, với trách nhiệm bảo vệ giống nòi, giang sơn gấm vóc Việt Nam, chứ không phải bằng mệnh lệnh, gượng ép, đối phó. Một khi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được như vậy, tích cực hành động bằng trái tim tin tưởng, trách nhiệm, nhiệt huyết, chắc chắn nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được bảo vệ vững chắc.
Rọi chiếu vào lịch sử cách mạng Việt Nam, toát lên chân lý: muốn có chiến thắng, tất yếu phải có niềm tin vào chiến thắng và khi đó mới có sự đồng tâm hợp lực hành động muôn người như một, cống hiến, hy sinh bằng chính sự “chỉ đường dẫn lối” của trái tim yêu nước chân chính. Chính niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài trí của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh bao trùm, kết nối không gian, vượt qua thời gian, tạo sự bền bỉ, kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, làm nên thắng lợi vĩ đại. Chính nhờ có niềm tin đã tạo nên những trái tim nhiệt huyết, thôi thúc bản lĩnh, bất chấp hy sinh, gian khổ để xông pha vào các cuộc trường chinh ròng rã gần 100 năm chống ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và can thiệp của Mỹ; 21 năm chống ách thống trị thực dân kiểu mới và chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai. Niềm tin ấy chính là cội nguồn sức mạnh bất diệt, nguồn cảm hứng, động viên lớp lớp thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(4).
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính sức mạnh của niềm tin đã chiến thắng sức mạnh của vũ khí, đô la của kẻ thù. Nhà báo Duylơrannút từng viết: “Trong thế kỳ XX, chính vật chất là sức mạnh của thời đại. Thời đại có nhiều tên gọi: Thời đại năng lượng nguyên tử, thời đại phản lực, thời đại điều khiển học, thời đại chinh phục vũ trụ, thời đại thông tin hóa. Dù đặt tên cho thiết bị nào thì người Mỹ đều có và người Việt Nam đều không có. Sức mạnh duy nhất của người Việt Nam lúc đó là sức mạnh của con người, của niềm tin chiến thắng”(5). Niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là tâm điểm tập hợp, gắn kết cả dân tộc thành một khối thống nhất. Niềm tin này cũng thức tỉnh nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý luôn sát cánh, ủng hộ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Trong công cuộc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay, luôn cần có và phải có niềm tin ở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trong bộ máy trực tiếp làm công tác này (Nhóm chuyên gia, Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc, Cộng tác viên…). Mỗi khi chúng ta có niềm tin vào thắng lợi, ắt sẽ có cách thức tiến hành để đạt đích thắng lợi. Một khi có niềm tin và trái tim yêu nước chân chính thì lập trường sẽ không dao động, tâm không gợn sóng, hành động không gượng gạo, không chạy theo phong trào và thành tích, càng không vì đối phó, hình thức, mệnh lệnh. Đó chính là gốc rễ đem lại kết quả tích cực, lâu bền trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
TRI ÂN – MỘT TRÁCH NHIỆM TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã để lại nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trở thành bài học, nêu gương cho các thế hệ người Việt. Từ những ngày Đảng mới thành lập, các đảng viên nhiệt huyết cách mạng cùng với nhân dân vượt qua gian khó, luôn tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai; không chỉ tin vào chiến thắng ngoại xâm mà cái đích cao cả là niềm tin và chiến đấu cho lý tưởng cộng sản – thực hiện khát vọng công bằng, bình đẳng, nhân văn. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ; các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi… luôn soi sáng lý tưởng cách mạng cho hậu thế, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay tự soi mình, rèn mình, sửa mình, phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong khi phần đông ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp sức xây dựng Đảng, đổi mới đất nước thì một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, tha hóa, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí có người quay lưng hại Đảng, phản bội nhân dân, phỉ báng quá khứ, làm nhục quốc thể. Lại có những cán bộ, đảng viên vun vén tư lợi, chạy chức, chạy quyền vì mục đích trục lợi cá nhân; có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền với cấp dưới, với đồng nghiệp và nhân dân… Những hành động đó làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ; làm tổn hại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân dày công gây dựng, vun đắp.
Để có độc lập, tự do của Tổ quốc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân hôm nay, đã có bao lớp tiền bối xông pha, cống hiến, chiến đấu, hy sinh. Lịch sử cách mạng Việt Nam được bồi đắp, tô thắm bởi những chiến công và sự hy sinh của các bậc tiền nhân, trong đó có những cán bộ, đảng viên. Pho sử bằng vàng đó thể hiện phong phú, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta. Những giá trị đó thẩm thấu trong tiến trình lịch sử Đảng, trở thành chân lý, niềm tin, tự hào, lòng biết ơn của nhân dân đối với Đảng, của hậu thế đối với tiền nhân.
Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không đơn thuần là bảo vệ cho hiện tại mà còn là bảo vệ thành quả của quá khứ và tạo sự vững bền ở tương lai. Bởi lẽ, “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta… Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”(6).
Từ đó, những lúc bản thân phải gánh vác nhiều công việc, có thể chịu mệt nhọc hơn, hoặc thiệt thòi trong cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm; hoặc bị non kém hơn về quyền lợi, bổng lộc thì vẫn vui vẻ, với tâm niệm đóng góp của bản thân chưa xứng đáng với những đồng chí đã cống hiến, hy sinh. Nếu gặp nghịch cảnh nào đó của thực tế, bản thân có thể chạnh lòng, nhưng không được phép hụt hẫng, nhụt ý chí phấn đấu, mà cần có suy nghĩ tích cực, vượt qua để góp phần tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân; luôn xác định làm việc là vì trách nhiệm tri ân, chứ không phải vì để được tôn vinh thành tích cá nhân. Theo đó, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng là một cách thức góp phần trả ơn người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trái tim nhiệt huyết, niềm tin vững chắc và lòng tri ân chân thành, sâu sắc chính là gốc rễ quan trọng, góp phần quyết định, đem lại kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Đó cũng là tiền đề, điều kiện tiên quyết, cơ sở để thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(7) theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, để “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(8)./.
TS. Lê Đức Hoàng – TS. Nguyễn Thanh Nga
Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(1) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011 t.12, tr.401, 401.
(2) Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương: Những tác động của thông tin xấu, độc trên mạng internet đến tư tưởng, tân trạng xã hội – thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học, 2018, tr.39.
(3) Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.534.
(5) Nguyễn Hữu Mạnh: Thắng lợi của niềm tin vào chính nghĩa, Báo Lao động cuối tuần, ngày 30/4/2022.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.34.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.13, tr.438.
Theo Tạp chí tuyên giáo