Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nói chung, cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris nói riêng diễn ra trong bối cảnh lịch sử rất phức tạp. Đó là thời kỳ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã hình thành và phát triển ngày càng lớn mạnh, tích cực giúp đỡ phong trào cách mạng thế giới, trong đó, có cách mạng Việt Nam. Nhưng trong nội bộ các nước XHCN lại có những quan điểm khác nhau về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng dân tộc, thậm chí đã nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt. Mặt khác, kẻ thù của nhân dân Việt Nam là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất khối tư bản chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng, nhiều kinh nghiệm, mưu mô, thủ đoạn và luôn muốn thương lượng trên thế mạnh. Tư tưởng “phục Mỹ, sợ Mỹ” xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh lịch sử đó, đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tương quan lực lượng cụ thể ở Việt Nam và ở Đông – Nam Á. Sức mạnh của hệ thống XHCN, của phong trào độc lập dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ trên thế giới cũng như những mâu thuẫn sâu sắc trong hàng ngũ bọn đế quốc không cho phép Mỹ tùy ý mở rộng chiến tranh vói bất cứ quy mô nào”(1). Do đó, nếu ta biết cách đánh, kéo Mỹ xuống thang đến một mức nào đó thì Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận đàm phán theo ý định của ta. Từ nhận định đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế trong cả đường lối kháng chiến và đàm phán (khi thời cơ chín muồi). Hai nội dung này gắn chặt với nhau, bởi có độc lập tự chủ mới đoàn kết quốc tế được, và có đoàn kết quốc tế mới kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ. Đây là quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt toàn bộ cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris kể từ lúc mở đầu cho đến khi kết thúc.
Ngược dòng thời gian, từ năm 1965 đến cuối năm 1966, đế quốc Mỹ vừa tăng cường leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, vừa tung luận điệu “hòa bình giả hiệu”, yêu cầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ngồi vào đàm phán. Các nước anh em, bạn bè trên thế giới, trong đó có Liên Xô và 14 nước thuộc Phong trào không liên kết, kêu gọi ta ngồi nói chuyện với Mỹ để giải quyết chiến tranh. Một số nước khuyên ta tiếp tục đấu tranh quân sự cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Những ý kiến đóng góp của bạn bè trên thế giới đều được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận, trân trọng, nhưng Trung ương Đảng ta cũng giải thích, trao đổi để bạn bè thế giới hiểu rõ đường lối đấu tranh độc lập, tự chủ của ta.
Tháng 1/1967, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 13 quyết định mở mặt trận ngoại giao mới nhằm tố cáo mạnh mẽ hơn nữa tội ác đế quốc Mỹ, vạch trần những thủ đoạn hòa bình giả hiệu; đề cao lập trường chính nghĩa của cách mạng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN, nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”(2).
Mùa Xuân 1968, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng đề ra, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam (lấy đô thị là hướng tiến công chủ yếu), buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán chính thức giữa đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu diễn ra ở Paris (Pháp), đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: đọ sức trên chiến trường đồng thời với đọ sức trên mặt trận ngoại giao (cục diện “vừa đánh, vừa đàm”). Phía Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi là: Trước tiên, Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; sau đó, mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Phía Mỹ nêu yêu cầu đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam, chấm dứt việc đưa người và hàng chi viện vào miền Nam.
Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phía Việt Nam, đồng thời, do gặp nhiều khó khăn tổn thất trên chiến trường, phong trào phản đối chiến tranh của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao. Ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam. Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị 4 bên bao gồm: Việt Nam dân chủ cộng hoà, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam), Mỹ và Việt Nam cộng hoà (chính quyền Sài Gòn). Như vậy, việc chủ động bước vào cục diện “vừa đánh, vừa đàm” thực sự là một sáng tạo lớn của Đảng ta, thể hiện sự độc lập tự chủ về đường lối. Bởi quyết định sáng tạo này “khác với quan điểm chỉ đánh mà không đàm, cho là đàm cản trở đánh, cho là ta chưa thắng đủ mức để đi vào nói chuyện với Mỹ, chỉ dùng đấu tranh quân sự – chính trị là đủ buộc Mỹ chấp nhận những mục tiêu của ta. Cũng khác với quan điểm chỉ đàm không đánh, coi nhẹ đấu tranh lâu dài, cho là đánh sẽ phá vỡ đàm, cho là Việt Nam không thể thắng Mỹ, phải sớm đi vào thương lượng một giải pháp thỏa hiệp với Mỹ”(3).
Năm 1969, Richard Nixon trúng cử lên làm Tổng thống Mỹ, đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Theo đó, quân viễn chinh và quân một số nước đồng minh rút dần về nước; quân đội Sài Gòn sẽ thay thế giữ vai trò nòng cốt chiến đấu nhưng vẫn do Mỹ chỉ huy thông qua hệ thống cố vấn quân sự, cung cấp tiền bạc, vũ khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh. Mặt khác, chính quyền Richard Nixon thực hiện chính sách “ngoại giao nước lớn”, tìm cách thỏa hiệp với Liên Xô, Trung Quốc nhằm cô lập cách mạng Việt Nam, gây sức ép trên bàn đàm phán buộc Việt Nam phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.
Ngày 25/1/1969, Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên. Trải qua nhiều phiên họp chung công khai, nhiều cuộc tiếp xúc riêng, lập trường của bốn bên, mà thực chất là của hai bên (Việt Nam và Mỹ) luôn mâu thuẫn, khác xa nhau khiến cho cuộc đàm phán diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong suốt quá trình đàm phán, phía Việt Nam đấu tranh trên mọi phương diện liên quan đến cuộc chiến, nhưng tập trung vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ, quân đồng minh khỏi miền Nam và đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Chủ trương này được chính phủ nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Dư luận thế giới cho rằng phía Việt Nam đã tỏ rõ “thiện chí hoà bình”, đòi chính phủ Mỹ sớm chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tại Hội nghị Paris, ta thường xuyên tận dụng các diễn đàn công khai với những bài phát biểu chính thức, những bài chính luận sâu sắc nhằm tranh thủ dư luận. Ta hết sức coi trọng công tác vận động báo chí. Trong gần 5 năm đàm phán, Hội nghị Paris đã tiến hành gần 500 cuộc họp báo, xem đây chính là cơ hội quý để tranh thủ tố cáo sự ngoan cố của Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn, đồng thời, nêu cao lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình, góp phần tích cực vào khối đoàn kết của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam, cô lập mạnh mẽ Mỹ – chính quyền Sài Gòn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, phía Mỹ luôn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có mặt tại miền Nam) “cùng rút quân”, đồng thời, ra sức thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn, thỏa hiệp với Liên Xô, Trung Quốc để gây sức ép với ta.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu |
Đỉnh điểm của chính sách ngoại giao nước lớn của Mỹ diễn ra vào tháng 5/1972. Ngày 1/5/1972, Richard Nixon triệu tập Henry A. Kissinger đến văn phòng làm việc của ông ta để bàn bạc về thủ đoạn đối phó cho lần đàm phán sắp tới. Dù chịu những thất bại to lớn trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam (đặc biệt là nhận được tin báo cáo việc đối phương đã kiểm soát tỉnh Quảng Trị và đang chuẩn bị tiến công vào Thừa Thiên Huế), nhưng Richard Nixon vẫn tin rằng có thể “trao đổi, thỏa hiệp” với Liên Xô để ép Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhượng bộ(4). Từ đó, Richard Nixon chỉ thị cho Henry A. Kissinger: “Dù cho bất kỳ việc gì xảy ra, thì trong các cuộc đàm phán vẫn không được thay đổi gì cả. Tôi không muốn ông nhượng bộ người Bắc Việt Nam chút nào. Do những tin tức như thế này, họ sẽ bốc lên như diều. Ông sẽ phải kéo họ xuống đất bằng cách ứng xử của mình. Không đa cảm, không nhã nhặn, không lịch sự. Vậy chúng ta sẽ cho các ông bạn Xô viết của chúng ta biết rằng tôi đã sẵn sàng bỏ rơi Hội nghị thượng đỉnh, nếu như đó chính là cái giá họ muốn bắt ta phải trả. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng sẽ không đến Hội nghị thượng đỉnh nếu như chúng ta vẫn còn gặp những khó khăn ở Việt Nam”(5).
Trong cuộc gặp ngày 2/5/1972 tại Paris, Henry A. Kissinger vẫn giữ thái độ lập trường thương lượng trên thế mạnh, đồng thời, đề cập đến việc Mỹ cũng đã trao đổi thảo luận với Liên Xô về những giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước thái độ lập trường đó của Henry A. Kissinger, cố vấn Lê Đức Thọ (Việt Nam) tỏ ra kiên quyết, nói: “Từ trước tới nay chúng tôi đã nói nhiều lần rằng có vấn đề gì các ông nói chuyện trực tiếp với chúng tôi, và chúng tôi trực tiếp nói chuyện với các ông. Chúng tôi không qua một người thứ ba nào cả. Bây giờ có gì thì chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các ông”(6).Mặt khác, ta kiên trì trao đổi, giải thích, thông tin về tiến trình đàm phán cho bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của bạn, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực từ chính sách ngoại giao nước lớn của Mỹ.
Những thắng lợi quân sự to lớn của cách mạng Việt Nam trên chiến trường (Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972,…) đã gây cho quân địch những thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán.
Không lay chuyển được lập trường của Việt Nam trên bàn đàm phán, Richard Nixon bộ lộc rõ bản chất rất hiếu chiến bằng việc tăng cường các hành động quân sự trên chiến trường. Ngày 14/12/1972, Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Ông ta lệnh cho Đô đốc Thomas H. Moorer: “Đây là cơ hội của ông được sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta một cách có hiệu quả để thắng cuộc chiến tranh này; nếu ông không làm được việc đó, tôi cho rằng ông phải chịu trách nhiệm”(7). Như vậy, mục đích sử dụng B-52 đánh phá Hà Nội hoàn toàn nằm trong sự tính toán của chính quyền Richard Nixon, và sự tính toán ấy là có cơ sở nhằm những mục tiêu cơ bản: Thứ nhất, giành một thắng lợi quyết định về quân sự, tạo thế mạnh trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải ký kết hiệp định kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ. Thứ hai, tàn phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc Việt Nam, nhất là những thành phố quan trọng (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên), làm cho miền Bắc kiệt quệ, không đủ sức chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Thứ ba, bằng cuộc tập kích đó, bảo đảm cho quân đội và chính quyền Sài Gòn có thêm thời gian ổn định để tăng cường lực lượng, tạo thế mạnh cho mọi giải pháp chính trị về sau. Thứ tư, gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong nhân dân Việt Nam, ngầm răn đe và ngăn chặn miền Bắc Việt Nam mở cuộc tiến công lớn ở miền Nam sau khi hiệp định được ký kết. Thứ năm, thông qua cuộc tập kích chiến lược lớn chưa từng có và sự tàn phá ghê gớm của nó, Mỹ muốn chứng minh cho thế giới sức mạnh quân sự của Mỹ và răn đe các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Hội nghị Paris (1968 – 1973) mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Kỉ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2023), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa của văn kiện lịch sử đặc biệt này. Nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đàm phán lịch sử này, trong đó, bài học về nêu cao tinh thần độc lập và đoàn kết quốc tế vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. |
Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) vào Hà Nội, Hải Phòng |
Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) vào Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng cuộc tập kích bị thất bại hoàn toàn. Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 B-52), buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh (27/1/1973). Theo đó, Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; rút hết quân viễn chinh và quân các nước đồng minh, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; các bên để cho nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử tự do; công nhận hiện trạng thực tế tại miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị; ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt. Với Hiệp định Paris, chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975./.
TS. Trần Hữu Huy
Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng
(1) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.109 – 110.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, t.28, tr.174.
(3) Trần Quang Cơ: Đường lối quốc tế đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.71.
(4) Anatoli Đôbrưnhin: Đặc biệt tin cậy– Vị Đại sứ ở Oasinhtơn qua sáu đời tổng thống Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.410 – 411.
(5) (7) Hồi ký Richard Nixon, Nxb. Công an nhân dân, H, 2004, tr.737 – 738, tr.904.
(6) Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, H, 1996, tr.214.