Dù chính thức đi vào hoạt động mới khoảng một năm với số tiền vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, thế nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý, các dự án đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp” đã giúp đỡ nhiều ĐVTN tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai như: bão, lũ, hạn hán… do đó, việc phát triển kinh tế cũng hết sức khó khăn. Nhận thấy được điều đó, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên, hội viên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để vay phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế… qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, giải quyết việc làm, giảm các tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã huy động được các nguồn xã hội hóa và thành lập Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp”.
Bước đầu, với nguồn vốn 5 tỷ đồng, trong năm 2015 – 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ cho vay thí điểm từ 02 đến 04 dự án, sau đó sẽ nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Sau khi được giới thiệu từ Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xem xét, thẩm định và chọn cho vay 02 dự án, đó là: dự án vay vốn đầu tư trang thiết bị, xây dựng và nâng cấp chuồng trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Trí, địa chỉ: thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định với số tiền vay 200 triệu đồng và dự án vay vốn đầu tư trang thiết bị, mở rộng dịch vụ cho thuê đồ nghệ thuật và trồng mai cảnh của chị Nguyễn Thị Kiều Trang, địa chỉ: phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định với số tiền vay 200 triệu đồng.
Dù chính thức đi vào hoạt động mới khoảng một năm với số tiền vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, thế nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý, các dự án đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp” đã giúp đỡ nhiều ĐVTN tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến với trang trại nuôi gà Minh Trí của anh Nguyễn Văn Trí tại thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, ban đầu từ trại gà giống với quy mô 2.000 con gà đẻ và 12.000 con gà thịt với kinh nghiệm chăn nuôi có sẵn trong tay mỗi năm anh thu về doanh thu 500 triệu đồng. Nhận thấy được tiềm năng to lớn của việc mở rộng mô hình chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học về chăn nuôi để nâng cao năng suất và giảm dịch bệnh cho gà, anh Trí đã ấp ủ ý tưởng mở rộng quy mô chăn nuôi, nhưng với số vốn hiện có còn hạn chế, chưa đủ để anh thực hiện ý định của mình. Qua các cơ sở Đoàn giới thiệu, anh đã vay được số vốn 200 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp”, cùng với số tiền hiện có anh đã nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại và con giống. Đến nay, trang trại của anh có tới 5.000 con gà đẻ, 20.000 con gà thịt, hệ thống cung cấp nước uống và thức ăn được tự động hóa. Mỗi tháng, anh xuất bán 15.000 con gà giống, cứ 20 ngày xuất bán 1 tấn gà thịt. Chỉ mới qua hơn 3 tháng sử dụng nguồn vốn, anh Trí đã thu về lợi nhuận ban đầu gần 400 triệu đồng. Anh Trí chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện cho tôi được vay vốn từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp”. Nguồn vốn của Tỉnh đoàn vay không cần thủ tục cầu kỳ mà lãi suất rất thấp. Nhờ có thêm số vốn này, trang trại chăn nuôi của tôi đã được mở rộng, số lượng gà nuôi cũng được tăng lên, lợi nhuận ngày càng tăng cao. Tôi rất biết ơn các cấp bộ Đoàn đã quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. Anh Trí cũng chia sẻ anh sẽ sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất và sớm hoàn trả nguồn vốn lại cho Tỉnh đoàn để quay vòng vốn. Ngoài ra, bản thân anh Trí cũng đã hỗ trợ và giúp đỡ các ĐVTN trên địa bàn huyện xây dựng các trang trại nuôi gà, hỗ trợ về con giống, hướng dẫn các quy trình chăn nuôi.
Đến thăm mô hình trồng mai cảnh và cung cấp dịch vụ cho thuê đồ nghệ thuật tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn của chị Trang, chúng tôi được biết: Nếu như trước đây vườn mai của chị được 1.200 gốc, trung bình mỗi năm xuất bán từ 200 – 300 cây, mang về doanh thu 60 triệu đồng; dịch vụ cho thuê đồ nghệ thuật mang về 100 triệu đồng mỗi năm thì nay, nhờ có thêm số vốn vay từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp”, chị Trang đã mạnh dạn mua thêm 1.000 gốc mai và đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng mẫu mã các trang phục cho thuê để nâng cao thu nhập. Chị Trang cho biết: Đối với nguồn vốn chị vay được từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp” của Tỉnh đoàn Bình Định, chị rất vui mừng vì nguồn vốn này lãi suất rất thấp, chủ yếu là hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế. Riêng bản thân chị, là một cán bộ trẻ, chị được tiếp cận với nguồn vốn đã giúp chị không phải cực nhọc tìm nguồn vốn đầu vào và bây giờ với nguồn
vốn này chị có thể đầu tư mở rộng thêm mô hình trồng mai và dịch vụ cho thuê đồ nghệ thuật của chị. Qua hơn 3 tháng sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp”, chị nhận thấy rằng hiệu quả bước đầu sử dụng nguồn vốn rất khả quan và chị tin tưởng rằng với nguồn vốn này chị sẽ tự tin phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu hiệu quả.
Để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn vay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo về định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn, đồng thời giám sát tình hình thực hiện vốn vay của các chủ dự án, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai nguồn vốn từ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp” ở địa phương. Sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tiến hành các quy trình thẩm định, giải ngân dự án dịch vụ vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại Hoài Ân để đa dạng các ngành nghề sản xuất kinh doanh, đồng thời sẽ tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm ban đầu để công tác triển khai cho vay vốn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.