Nhà thơ Tố Hữu trong trường ca “Theo chân Bác” đã trân trọng nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa’’…
Cả cuộc đời Người là sự hy sinh cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong Di chúc, “Về việc riêng” Bác chỉ ngắn gọn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Có thể thấy rằng, Bác là một tấm gương sáng ngời về đức tính khiêm tốn, lời nói đi đôi với hành động, nêu gương, gương mẫu trong thực hiện công việc. Về việc riêng của mình, Bác nói rất ít, mà toàn tâm, toàn ý cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Qua đó, nhân cách Hồ Chí Minh càng ngời sáng, càng lay động trái tim của người dân Việt Nam.
Đã 50 năm kể từ khi Bác về với “thế giới người hiền”, cũng là 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta khắc ghi, thực hiện Di chúc của Bác. Trong điều kiện hiện nay, Đảng ta đang thực hiện lời dạy của Bác “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, Đảng ta đã có những chỉ đạo sát sao nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng với trách nhiệm mà nhân dân giao phó.
Tại Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19.12.2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng nêu gương là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tự nhìn nhận, soi rọi lại mình để thực sự là tấm gương về sự tận tụy với Đảng, với nước, với dân.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII).
Đọc Di chúc của Bác, khắc ghi lời Bác dạy, học Bác, nhất là từ tấm gương khiêm tốn, đức hy sinh để mỗi người chúng ta thêm trưởng thành, thêm rèn giũa, thêm tiến bộ, để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân.
Nguyễn Tùng Lâm