Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc, tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày 19/4 vừa qua, tại Thư viện tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Tỉnh đoàn Bình Định đã khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam – tỉnh Bình Định năm 2022, công bố Quyết định số 1862 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Tại Bình Định, sau 5 năm triển khai triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống các thư viện cấp cơ sở, đồn biên phòng, trại giam, thư viện trường học và hệ thống thư viện, tủ sách hội nông dân cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển rộng khắp.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 10 thư viện cấp huyện, 18 thư viện cấp xã và trên 60 phòng đọc sách ở cơ sở với gần 500 nghìn bản sách. Hằng năm, toàn hệ thống thư viện cộng đồng cấp gần 10.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 500 nghìn lượt bạn đọc, với gần 1 triệu lượt sách phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, hầu hết các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, phòng đọc sách được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn. Thư viện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp từng bước được đầu tư, hiện đại hóa…
Để tiếp tục phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngày 16/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. 20 – 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 – 20% người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng. 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định. 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật… Định hướng đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).
Để hoàn thành mục tiêu đó, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; đào tạo lại nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế./.