Cầu Hòa Phong có vị trí bắt qua nhánh sông Kôn nằm trên trục đường chính nối liền xã Nhơn Mỹ và Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Đây là 2 xã có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn của Bình Định với hơn 2.000 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, mua bán kinh doanh và làm việc tại các cụm xí nghiệp lân cận. Tuy nhiên thời tiết và điều kiện khí hậu ở miền trung nói chung và Bình Định nói riêng khá khắc nghiệt, nhánh sông Kôn có điều kiện thủy văn khá phức tạp, vào mùa khô, gần như không có nước hoặc rất ít, nhưng khi vào mùa mưa, nước lũ lại xuống bất thường, gây chia cắt và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
Những năm qua, lãnh đạo và bà con nhân dân 2 xã Nhơn Mỹ và Nhơn Khánh đã nhiều lần cùng nhau đóng góp công sức và của cải để làm chiếc cầu tạm bằng gỗ lắp ghép giúp cho việc đi lại được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, qua mỗi mùa mưa lũ, chiếc cầu gỗ tạm ấy lại ngày một xuống cấp và hư hỏng nặng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của bà con nhân dân đặc biệt là các em học sinh. Ngoài ra, để đảm bảo chi phí tu bổ và bảo dưỡng cầu hàng năm, người dân tại địa phương phải tốn phí cho mỗi lượt di chuyển qua cầu hàng ngày, đây là điều hết sức bất tiện và gây khó khăn cho bà con nhân dân nơi đây. Với quy mô và kinh phí đầu tư khá lớn, lại là cầu nông thôn nên đã nhiều năm nay, việc đưa cầu Hòa phong vào quy hoạch xây dựng mới gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí tại địa phương còn hạn hẹp.
Ước mơ trở thành hiện thực
Xác định được nhu cầu và những khó khăn mà bà con nhân dân trên địa bàn 2 xã Nhơn Mỹ và Nhơn Khánh đang gặp phải, nhận thấy nơi đây cần có 1 cây cầu bằng bê tông vững chắc giúp hàng hóa, phương tiện, người dân và đặc biệt là các em học sinh qua lại an toàn. Đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong chung tay xây dựng nông thôn mới và sự chung tay cùng hỗ trợ cho bà con nhân dân tại các vùng khó khăn trong tỉnh. Tỉnh đoàn Bình Định đã kêu gọi, vận động các nhà tài trợ, sau khi khảo sát và thống nhất, Tỉnh đoàn cùng với Quỹ Phượng Hoàng – TP Hồ Chí Minh đã quyết định tài trợ kinh phí xây dựng cầu Hòa Phong. Sau hơn 7 tháng thi công, công trình đã được xây dựng hoàn tất, chính quyền địa phương tại 2 xã Nhơn Mỹ và Nhơn Khánh cũng đã đầu tư xây dựng đường bê tông 2 bên đầu cầu, giúp việc lưu thông thêm thông thoáng và thuận tiện hơn. Trong suốt quá trình thi công công trình, các bạn đoàn viên thanh niên tại 2 xã đã tham gia đóng góp hàng trăm ngày công hỗ trợ cho việc xây cầu cũng như tháo dỡ cầu cũ giúp hoàn thiện công trình sớm nhất có thể. Sau khi chiếc cầu mới được xây dựng, đoàn viên thanh niên 2 xã cũng đã thực hiện công trình thắp sáng đường quê và đăng ký đoạn đường thanh niên tự quản trên tuyến đường đầu cầu nối liền 2 xã.
Nhịp cầu rộng mở tương lai
Ngày Cầu Hòa Phong được khánh thành và đưa vào sử dụng, hình ảnh các em nhỏ vô tư nô đùa trên chiếc cầu còn thơm mùi sơn mới, và ánh mắt vui mừng của bà con nhân dân nơi đây không dấu nổi niềm vui và sự phấn khởi khi đi trên chiếc cầu xây xi măng vững chắc để bắt đầu 1 ngày sản xuất mới với hi vọng được ngày mùa bội thu và từ đây cuộc sống mưu sinh sẽ giảm đi phần nào vất vả.
Niềm vui của các bạn thanh niên tình nguyện hòa trong “niềm vui lớn” của người dân khi mà chiếc cầu đã hoàn thành vượt tiến độ trước mùa mưa ở lũ. Giờ đây, với chiếc cầu mới, việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con nhân dân 2 xã được thuận tiện và an toàn. Hơn thế nữa, việc học tập của con em ở đây được xuyên suốt, không bị gián đoạn mỗi khi mùa nước lớn về. “Từ khi có chiếc cầu, mỗi lần đi học được đi trên cầu mới chúng cháu rất vui, không phải lo sợ bị trợt chân hay mùa mưa không thể đến trường nữa” em Nguyễn Thị Thu Ngân, lớp 7, Trường THCS Nhơn Khánh chia sẻ.
Với chiếc cầu mới được xây dựng, bộ mặt giao thông nông thôn xã nhà đã phần nào được thay đổi, giúp cho hơn 2.000 hộ dân tại 2 xã vận chuyển hàng hóa và lưu thông, đi lại dễ dàng, các em học sinh hàng ngày đi học không còn nỗi lo khi đi trên chiếc cầu gỗ dài ngoằng nghèo và xuống cấp; và từ đây, những chiếc xe cơ khí, xe chuyên dụng có thể vận chuyển nông sản, vật tư đến ruộng dễ dàng và thuận tiện hơn, bà con nhân dân được an tâm canh tác và sản xuất, góp phần làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Xây dựng cầu nông thôn là hoạt động cụ thể, thiết thực của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trong phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong tham gia xây dựng nông thôn mới, và văn minh đô thị vừa tạo môi trường rèn luyện bổ ích cho thanh niên vừa làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ, đoàn viên thanh niên Bình Định thời kỳ mới.
Hy vọng rồi đây, không chỉ riêng cầu Hòa Phong mà bất cứ nơi đâu, những bờ vui lại tiếp tục được gắn kết từ tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ và tấm lòng tương thân tương ái của các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ để cùng chung tay xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.