Những năm tháng chiến tranh ác liệt, kẻ thù đã xây dựng trên đảo Phú Quốc một trại giam tù binh lớn nhất miền Nam, có lúc đã giam cầm, tra tấn dã man trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng, hơn 4.000 người đã bị thủ tiêu giết hại, nhiều người khác phải mang trên mình vết thương, nỗi đau suốt đời.
Đến giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Vùng 5 Hải quân và nhiều đơn vị khác đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên quê hương này.
Ngoài ra, còn có hơn 500 người dân vô tội sinh sống trên đảo Thổ Chu đã bị quân Pol Pot giết hại.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc đã đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức chăm sóc chu đáo phần mộ của các liệt sĩ (có 1.631/3.413 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn Phú Quốc có thông tin).
Trong không khí trang nghiêm, các vị đại biểu cùng nhớ lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa: “Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Người cũng căn dặn, cùng với sự tôn vinh, biết ơn; Đảng, Nhà nước và nhân dân cần có chính sách đãi ngộ và bằng các việc làm thích hợp để xứng đáng đối với những người có công và thân nhân những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
—
Sáng 29/4, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khánh thành Đền thờ các liệt sĩ hy sinh trên địa bàn Phú Quốc trong các thời kỳ chiến tranh; động thổ xây dựng tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2022).
Tham dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân TP. Phú Quốc.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trải qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt, đã có biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, trong đó có những người con trung kiên của Kiên Giang như là nữ anh hùng, liệt sĩ Phan Thị Ràng, Mai Thị Hồng Hạnh và rất nhiều các liệt sĩ khác, làm màu cờ Tổ quốc thêm đỏ thắm.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với những anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với nước bằng nhiều việc làm thiết thực.
Công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình ghi công và chăm sóc, giữ gìn phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý, truyền thống của người Việt Nam.
Đồng thời, cũng là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp, thể hiện ước nguyện anh linh các anh hùng liệt sĩ, anh hùng dân tộc, hồn thiêng sông núi, cùng phù hộ cho đất nước được hòa bình, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Công trình Đền thờ ghi công liệt sĩ tại TP. Phú Quốc như thêm một điểm tựa vững chắc, linh thiêng, cố kết tinh thần dân tộc Việt Nam; thêm nguồn sức mạnh để nhân dân Việt Nam đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, anh hùng dân tộc, chúng ta nguyện đời đời ghi lòng tạc dạ công ơn những người con của dân tộc đã hy sinh máu xương để giành và giữ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc; cùng nguyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”, Phó Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc, cùng các địa phương trong cả nước, tiếp tục làm tốt công tác quản lý, gìn giữ các công trình ghi công liệt sĩ; thực hiện thật tốt công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ; công tác chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, người có công.
Theo Phó Thủ tướng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã đạt những kết quả to lớn, toàn diện trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc, sau gần 2 thập kỷ tập trung đầu tư, xây dựng, đã trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, một trung tâm du lịch tầm vóc khu vực, quốc tế với hệ thống hạ tầng du lịch vùng rất nhiều dịch vụ chất lượng cao, hết sức đặc sắc.
“Những kết quả đó càng cho chúng ta thêm niềm tin vào những bước phát triển đột phá trong tương lai của Kiên Giang, của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng phát triển tỉnh Kiên Giang nói chung và đảo ngọc Phú Quốc nói riêng mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
* Trước đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ, công trình quan trọng nhất của quảng trường trung tâm TP. Phú Quốc, tại phường Dương Đông.
Với chủ đề “Miền Nam trong trái tim tôi”, Tượng đài Bác Hồ được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc tập trung diễn tả, khắc họa hình tượng chan hòa, giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.
Phần phù điêu đặt sau Tượng đài Bác Hồ được chạm khắc một số hình ảnh, địa danh tiêu biểu của miền Nam và tỉnh Kiên Giang
Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn