KHÁT VỌNG TUỔI TRẺ HỒ CHÍ MINH – TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI CHO THẾ HỆ TRẺ HÔM NAY

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nếu một năm khởi đầu từ mùa xuân thì đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ được ví như là mùa xuân của xã hội. Tuổi trẻ cũng là độ tuổi để con người hình thành cho mình những khát vọng cuộc đời mà để cả chặng đường về sau người ta cố gắng thực hiện nó. Nhưng đa số những khát vọng đó đều là những khát vọng mang tính cá nhân. Tuy nhiên, có những con người khát vọng tuổi trẻ vượt khỏi lợi ích cá nhân hay lợi ích gia đình, vươn đến tầm dân tộc và thời đại. Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu cho những con người vĩ đại ấy. Khi mới tuổi 21, Người đã dấn thân vào cuộc hành trình tìm cho dân tộc một hướng đi đúng trên con đường đấu tranh tới độc lập tự do. Người đành cả cuộc đời mình để thực hiện một khát vọng thiêng liêng ấy.

1. Nội dung của khát vọng tuổi trẻ Hồ Chí Minh

Nếu là một người bình thường thì thật khó mà nói họ có khát vọng gì, may chăng chính họ là người biết rõ nhất khát vọng của mình. Nhưng ở Hồ Chí Minh, người sống vì tất cả mọi người, khát vọng tuổi trẻ có lẽ là điều dễ thấy nhất. Qua từng câu nói, qua từng hành động, mọi người đều có thể cảm nhận được khát vọng của một người yêu nước nhiệt thành. Đó là khát vọng về độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Khát vọng đó hình thành từ sự thấu hiểu rõ vị trí, vai trò của tuổi trẻ với xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh coi trọng vai trò của tuổi trẻ với đất nước, với tương lai của dân tộc.

Khát vọng tuổi trẻ của Hồ Chí Minh trước hết bắt đầu từ nhận thức đúng đắn của Người về vị trí, vai trò của tuổi trẻ với quê hương đất nước rộng lớn hơn là với cả nhân loại: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Đó là nhận thức về trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực vào quá trình hội nhập toàn cầu vì một thế giới phát triển, hòa bình và thịnh vượng.

Tuổi trẻ Hồ Chí Minh không may mắn như chúng ta hiện nay, sinh ra trong cảnh nước mất, nhân dân lầm than ở kiếp ngựa trâu, chịu nhiều đọa đầy đau khổ dưới gót giày thực dân. Lại chứng kiến những giọt nước mắt của dân tộc khi các phong trào yêu nước nổ ra rồi đi vào thất bại khiến Người càng nhận thấy những người trẻ như mình phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Nếu những người trẻ không sớm thức tỉnh, thì đất nước này mãi mãi sẽ mất đi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Những năm tháng tuổi trẻ, được hòa mình vào những hoạt động thực tiễn phong phú từ trong nước đến thế giới, Hồ Chí Minh đã có thêm điều kiện nhìn nhận, đánh giá về vị trí, vai trò của tuổi trẻ trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Người nhận thấy tuổi trẻ là lớp người chiếm số đông trong xã hội, vì tính theo cách của Người: “Trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn”. Người cũng chỉ ra: “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong” có chí tiến thủ, nhạy bén trong tiếp thu tri thức, lại sống có hoài bão ước mơ… Đó là lứa tuổi muốn cống hiến, muốn khẳng định mình. Bên cạnh đó, tuổi trẻ cũng là lớp người có: “Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng”. Do vậy, theo Hồ Chí Minh nếu biết định hướng, biết động viên thì họ sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, có cơ hội phát huy tài năng, tính sáng tạo sẵn có, không hề ngại ngần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

Từ đặc điểm đó mà Hồ Chí Minh đi tới nhận định thanh thiếu niên là những người chủ tương lai của nước nhà. Người coi: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Để xứng đáng như vậy thì theo Người tuổi trẻ cần phải có chí tự lực, tự cường, tự lập. Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị. Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do. Và Người mong: “các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”.  

Thế hệ tuổi trẻ luôn ở trong suy nghĩ, tâm trí của Người. Coi sự lớn mạnh của lớp trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn dày công chăm lo giáo dục thanh thiếu niên để họ trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh thiếu niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Người nhắc nhở chúng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Vinh dự to lớn thường đi cùng trách nhiệm to lớn, bên cạnh việc khẳng định vị trí, vai trò của tuổi trẻ, Người cũng chỉ ra: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Mỗi người phải sống có ước mơ, có khát vọng, phải sống sao cho có trách nhiệm với những người xung quanh. Đó cũng chính là khát vọng của tuổi trẻ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ đến chúng ta.

Như vậy, từ nhận thức về vị trí, vai trò của tuổi trẻ với sự phát triển của xã hội, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định chân lý tuổi trẻ phải sống có hoài bão, ước mơ. Những hoài bão, ước mơ đó của tuổi trẻ lại phải gắn liền với trách nhiệm của họ với gia đình và xã hội. 

Thứ hai, nội dung cốt lõi trong khát vọng tuổi trẻ của Hồ Chí Minh là khát vọng giải phóng dân tộc, khát vọng xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Từ hoàn cảnh đất nước khi đó, lại có nhận thức rõ ràng về vị trí, vai trò của tuổi trẻ với vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh sớm hình thành khát vọng tuổi trẻ của mình. Khát vọng đó có thể tóm ngắn gọn là độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Tất cả các vấn đề khác suy cho cùng là công cụ, là phương pháp, phương tiện để thực hiện ý chí độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân.

Về khát vọng độc lập cho dân tộc

Thời niên thiếu từ khi cất tiếng khóc đầu tiên trên quê hương xứ Nghệ đến những lần theo cha vào Huế, cùng thời gian đi dọc dài đất nước sau khi bị ép thôi học do giúp đỡ nhân dân biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tiếp thu được những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Trong số đó phải kể đến là chủ nghĩa yêu nước – dòng chủ lưu chính trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, nấc thang cao nhất trong hệ giá trị đạo đức con người Việt Nam. Người hình thành cho mình tinh thần yêu nước mãnh liệt, nó thôi thúc Người sớm có những bước đi của tuổi trẻ để giải phóng cho dân tộc.

Bằng trí tuệ thiên tài và nhãn quan chính trị sâu sắc, Người nhận ra các khuynh hướng cứu nước bấy giờ đều không phù hợp, đều có những hạn chế nhất định. Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của cha anh, nhưng Hồ Chí Minh không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm ra đi tìm một con đường mới để giải phóng cho dân tộc này. Mục đích của chuyến đi đó chắc chắn không phải để kiếm cách sinh nhai, mà chủ yếu là để tìm hiểu thế giới bên ngoài với hy vọng: “Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Và câu nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” đi vào huyền thoại khi đã thể hiện mục tiêu đấu tranh và khát vọng duy nhất của người thanh niên yêu nước Hồ Chí Minh.

Cũng những ngày này của 109 năm về trước, ngày 5/6/1911, cuộc hành trình ra đi tìm chân lý của người thanh niên mảnh khảnh, đại diện cho một dân tộc yêu hòa bình với hành trang chỉ là chủ nghĩa yêu nước và hai bàn tay cần cù lao động đã diễn ra. Cái tên Văn Ba mà ý nghĩa là làn sóng văn hóa sau này đúng như nhà báo Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. Đó là chuyến đi mang tính lịch sử, là bước ngoặt của cả dân tộc, là chuyến đi thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. Những ngày tháng đấu tranh không mệt mỏi trên, hình ảnh một Việt Nam khát khao độc lập tự do đã được cả Thế giới biết đến.

Về khát vọng hạnh phúc cho nhân dân

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, Hồ Chí Minh sớm được tiếp xúc với những tư tưởng yêu nước thương dân như lời dạy của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Hay những câu hò câu ví: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để sau này Người cũng nhiều lần khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Khi nêu lên mệnh đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa khát vọng độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân của mình. Người từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chủ nghĩa xã hội chính là cơ hội để bảo đảm quyền tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cũng có những người cho mình là am hiểu tiếng Việt, đặt ra vấn đề khi Hồ Chí Minh nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” thì sẽ có cái quý bằng độc lập tự do, rồi bắt bẻ câu chữ của Người là không chặt chẽ. Nhưng những người đó đâu thể hiểu rằng, đúng là có cái quý bằng độc lập tự do. Người giải thích đó là hạnh phúc của nhân dân, từ “hạnh phúc” được Người đặt ngang hàng trong cụm từ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” mà chúng ta vẫn viết dưới Quốc ngữ hàng ngày. Chỉ chi tiết nhỏ vậy thôi ta cũng có thể thấy một Hồ Chí Minh đầy bản lĩnh và trí tuệ. 

Bảo đảm cho nhân dân có một cuộc sống hạnh phúc khi đất nước đã hòa bình là khát vọng lớn của Người. Đó cũng là lẽ sống, là mục đích duy nhất để Người cố gắng từng ngày kiến tạo một Việt Nam mới. Đến lúc sắp rời xa chúng ta Người cũng không quên dặn dò Đảng và Chính phủ phải quan tâm đến cuộc sống của nhân dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Khát vọng độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân đã khái quát nên thành ham muốn tột bậc của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Chắc ngoài đức Phật Thích ca, đức Chúa Jê-su ra thì chỉ có Hồ Chí Minh mới có khát vọng, có ham muốn không phải vì mình mà vì người như vậy. Một khát vọng mà: “Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa”.

2. Khát vọng tuổi trẻ Hồ Chí Minh – tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” và chính Người cũng đã chứng minh thông qua việc làm của mình để thực hiện khát vọng cháy bỏng độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân trong suốt cả cuộc đời. Không phút giây nào trong trái tim Người mà khát vọng từ thời tuổi trẻ ngừng cháy sáng, cho đến khi sắp phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Người vấn luôn giữ ngọn lửa khát vọng của tuổi trẻ và hy vọng truyền lại cho các thế hệ kế cận để họ thắp sáng mãi tương lai của dân tộc này.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi người mà nói đều có thể thấy mình ở trong đó, bởi Người dành tình thương cho tất cả mọi người. Với thế hệ tuổi trẻ, có lẽ là điều Người luôn đau đáu trong lòng, chắc bởi vậy mà sau khi nói về Đảng, Người dành cho tuổi trẻ vị trí thứ hai – có thể là một sự nhắc nhở Đoàn viên và thanh niên là những người kế tiếp. Nhưng những người đó được Hồ Chí Minh nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt”. Người đánh giá cao tuổi trẻ, nhưng chỉ dùng từ “nói chung” vì Người biết tuổi trẻ có ưu điểm và cả những khuyết điểm. Nếu những người trẻ không phát huy ưu điểm, rèn luyện để khắc phục khuyết điểm hạn chế thì không thể xứng đáng với hình ảnh “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”.

Ngày nay, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ sau đổi mới, dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ bộ mặt đất nước cả về kinh tế – chính trị – văn hóa… có thể khát quát bằng câu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”. Xu thế toàn cầu hóa kéo theo sự giao lưu cả về kinh tế và văn hóa đang tác động không nhỏ đến nước ta. Những người trẻ đang có cơ hội tốt nhất trong lịch sử để khẳng định mình.

Những người trẻ hãy nhanh chóng xây dựng cho mình khát vọng của tuổi trẻ. Khát vọng ấy hãy xoay quanh trục phát triển của đất nước, gắn cá nhân với trách nhiệm với xã hội. Khát vọng ấy hãy thể hiện ra tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Tuổi trẻ hãy mạnh mẽ tiến thân vào khoa học, dưỡng tâm trong, trí sáng, xây hoài bão lớn. Muốn đạt như vậy, chúng ta hãy lấy tấm gương khát vọng tuổi trẻ Hồ Chí Minh làm tấm gương sáng cho bản thân mình. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành nhu cầu tự thân, là việc làm quan trọng trong hành trang trưởng thành của mình. Chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với tình thân yêu mà Chủ tịch dành cho mình. Những người trẻ của hôm nay, những người trẻ may mắn sống trong thời đại Hồ Chí Minh hãy tiếp tục phát huy sự kỳ vọng của Người dành cho tuổi trẻ, hãy sống có đam mê, hoài bão, sống cống hiến cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau./.

ThS. Vũ Thị Thanh Thảo – Trường Chính trị tỉnh Bình Định

Trả lời