Chuyện phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ gần đây có chuyển biến khá tốt, thế nhưng xem ra nạn “mua quan, bán chức” vẫn chưa thể khắc phục triệt để!
Chuyện rằng, có một đồng chí cán bộ cấp thấp lại được anh cán bộ cấp trên biếu cho “cái gọi là quà” và bảo rằng mình “chia sẻ tý lộc” vì năm nay “lộc về nhiều”. Hành động ấy khiến anh cán bộ cấp thấp rơi nước mắt khi buộc lòng phải “đón nhận” một cách cưỡng ép và đau đáu tìm cách trả lại. Anh bảo xưa nay, vị cán bộ kia có quan tâm gì tới “sự tồn tại” của mình đâu, ấy vậy mà trước dịp bổ nhiệm cán bộ sắp tới, lão lại kết thân với mình, nào là mời ăn, nào là biếu quà, nào là chia lộc…
Tranh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn |
Anh lắc đầu ngao ngán: Đúng là cũng nên cảm ơn cái chức “be bé” vì nó giúp mình góp mặt trong dịp bỏ phiếu bổ nhiệm cán bộ sắp tới. Nếu không có cái quyền “chọn” hoặc “không chọn” ấy thì chắc không thể có được sự “hậu đãi” gây xúc động đến độ như bị xát muối vào lòng.
Nói rồi, anh bực dọc, rằng “chuyện chạy” bây giờ tinh vi thật. Không còn nữa cái cảnh “đặt cọc một cục” để mua quan như các vụ đại án mà chúng ta từng biết, từng nghe. Bây giờ, cũng một khoản đầu tư ấy, người ta “chia năm, xẻ bảy”, rồi đi vận động tình cảm bằng chút “quà mọn”, bày tỏ lòng thành kính, tình cảm chân thành… nhằm hướng vào cái mục đích rõ mười mươi là “mua phiếu”, hay đúng hơn là mua quan. Việc trắng trợn và dễ bắt bài là vậy, nhưng chả hiểu sao một số người vẫn mủi lòng thương, hoặc bị lôi kéo, nghe theo.
Anh lại nhắc đến lời của một đồng chí lãnh đạo Đảng, rằng trong một tập thể, kẻ nào “khéo mua quan” thì ắt sẽ “giỏi bán chức”. Bởi khi họ đã chi ra “khoản đầu tư ban đầu” thì phải tìm mọi cách mà “thu hoạch” lại trong quá trình “giữ ghế”, chứ chẳng dại gì mà “vứt tiền qua cửa sổ”. Hơn nữa, họ cũng đã có kinh nghiệm hiện thực phần việc nhớp bẩn ấy.
Rồi tới đây, nếu cá nhân kia mà “án ngự bề trên” thì mọi sự chuyển động, phát triển, tiến bộ của cấp dưới liệu có còn trong sạch, lành mạnh như vốn dĩ. Chắc chắn, những người đã vô tư “nhận phong bì” và hồn nhiên ủng hộ phiếu bầu, thì mai kia ắt phải mang “cái gọi là quà” đến lo lót cho con đường tiến thân khi có cơ hội. Và cũng bởi thế mà tập thể sẽ dần ố bẩn, hỏng từ bên trong, rồi sớm muộn sẽ đi đến thất bại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khuyên nhủ cán bộ: “Chức tước phù vân, danh thơm còn mãi”. Cái chức ở đây thật khó cưỡng với những kẻ tham quyền, cố vị. Trong một tổ chức, nếu có cá nhân bất chấp mọi thủ đoạn để “mua quan, bán chức”, thì vì “danh thơm” của tập thể, mọi thành viên cần phải nêu cao tinh thần phòng vệ, phải có trách nhiệm bảo vệ lẽ phải, cương trực và thẳng thắn đứng về phía chính nghĩa, lựa chọn những giá trị tốt đẹp cho tổ chức. Nếu không thì chẳng những tổ chức bị người xấu nắm quyền điều hành, cậy quyền, lạm quyền, mà còn bị vấy bẩn giá trị truyền thống tốt đẹp, suy giảm uy tín, đánh mất vai trò. Hay nói cách khác, “việc gốc của Đảng” mà không làm kỹ, không bảo đảm tính công minh, công bằng, dân chủ, thì “thân cây của tổ chức” sẽ bị lung lay, danh thơm cũng không còn nữa.
NGUYỄN TẤN TUÂN