“Tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”, “các phe nhóm thanh trừng nhau”… là những luận điệu các phần tử bất mãn và thế lực phản động tung ra nhiều nhất trên mạng xã hội. Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, họ suy diễn, xuyên tạc rằng “đó chính là đấu đá nội bộ”, “thanh trừng nhau” … Dù không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh nhưng những đối tượng bất mãn, phản động cứ liên tục và ngang nhiên suy diễn, rêu rao như vậy. Đáng tiếc, cơ quan chức năng không kịp thời đưa ra thông tin phản bác và làm rõ, làm cho một số cán bộ, đảng viên, nhất là những người dân không có đủ hiểu biết rơi vào trạng thái “bán tín bán nghi”, dần bị dao động tư tưởng; rồi đầu đường, góc chợ cứ xì xào bàn tán về những thông tin sai này.
Vấn đề “nóng” thứ hai mà các thế lực thù địch thường triệt để lợi dụng để tung tin xuyên tạc, vu khống là công tác cán bộ. Không cần chứng cớ, cứ mỗi khi có cán bộ cấp tỉnh, cấp cục trở lên được bổ nhiệm là họ ngang nhiên quy chụp cán bộ đó đã “chạy” mất rất nhiều tiền, hoặc “được nâng đỡ không trong sáng” vì đủ thứ lý do: Con cháu, họ hàng, cùng quê, cùng phe cánh… Họ moi móc, cố tìm những thông tin, chi tiết mà cán bộ được bổ nhiệm (hoặc người thân) có liên quan đến lãnh đạo cấp cao (thậm chí chỉ là cùng có mặt trong bức ảnh), rồi tùy tiện “phán” rằng: Được bổ nhiệm là vì chạy chọt, phe nhóm, thân quen… Thông tin suy diễn, quy chụp này lâu nay ít ai phản bác công khai nên cứ lan truyền theo kiểu chia sẻ bí mật, rỉ tai, khiến nhiều người hiểu sai, từ đó phát sinh tư tưởng tiêu cực….
Việc các thế lực thù địch, phản động cố tình đăng những thông tin, hình ảnh, video clip đã bị cắt, ghép, chỉnh sửa hoặc đăng lại một số sự việc xảy ra từ lâu lên mạng xã hội nhằm bôi xấu cán bộ và chế độ ta cũng là thực trạng rất đáng báo động, bởi không ít người tưởng đó là sự thật, dẫn đến bức xúc và dần “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế đã có khá nhiều cán bộ bị chúng cắt gọt phát ngôn hoặc đưa hình ảnh, lời nói vào một bối cảnh hoàn toàn khác, khiến mọi người hiểu sai và bất bình. Những trường hợp như vậy rất cần đăng thông tin phản bác kịp thời để nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động.
Bởi thế, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân để có khả năng nhận rõ thật-giả, đúng-sai thì chúng ta phải kịp thời đấu tranh, phê phán, phản bác những thông tin sai trái, phản động; cung cấp thông tin chính thống để kẻ xấu không thể xuyên tạc, quy chụp, vu khống nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. Đây cần được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vì nếu chúng ta chỉ bóc gỡ những thông tin sai sự thật mà không kịp thời phản bác, chứng minh cho người dân biết đó là thông tin sai thì các thế lực thù địch lại rêu rao rằng đó là thông tin đúng, chúng ta “sợ sự thật” nên phải tìm cách gỡ bỏ. Như vậy, những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin sẽ một lần nữa bị “sập bẫy” tin giả của chúng.
Kịp thời cung cấp thông tin chính thống là cách tốt nhất để định hướng dư luận, chống “lộng giả thành chân”, không để các đối tượng phản động, bất mãn, thù địch có cơ hội lợi dụng tung tin “bẩn” chống phá nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bích Đào