Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của đất nước.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Tây Sơn” có ba nội dung: Tây Sơn tụ nghĩa; Ngọc Hồi – Đống Đa, bản hùng ca bất tử; Viết tiếp bản hùng ca, với sự tham gia của hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, võ sư, võ sinh Bình Định biểu diễn.
Phần 1 mở đầu bằng hoạt cảnh tái hiện bối cảnh xã hội đất nước ta vào thế kỷ 18, với nhiều biến loạn; ở Đàng Ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than.
Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, ở Bình Định có khởi nghĩa Chàng Lía đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức dân gian.
Ở phần 2 chương trình là những hoạt cảnh tái hiện chiến công hiển hách trận Ngọc Hồi – Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Tuấn Thanh – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết:
“Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vang dậy non sông cách đây đã 235 năm nhưng mỗi mùa xuân đến, nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn bồi hồi nhớ lại chiến công thần tốc năm ấy dưới sự chỉ huy tài ba của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Đây không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc và chiến tích chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, mà còn làm sống dậy hào khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của các vị tướng lĩnh kiệt xuất, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự, một vị minh quân đáng kính của dân tộc”.
Nguồn Báo Tuổi trẻ