Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người không chỉ được cả dân tộc Việt Nam kính yêu mà còn được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, kính phục và tôn vinh. Bởi ở Người, từ tư tưởng đến cách ứng xử trước các vấn đề của đời sống con người luôn chứa đựng tính nhân văn hết sức sâu sắc, cao cả, đặc biệt là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần qua các giai đoạn lịch sử và được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngay từ ngày đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Bác Hồ đã kêu gọi nhân dân học lịch sử dân tộc: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”(1). Tại Đền Hùng, ngày 18-9-1954, Bác căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong khi tiến về giải phóng Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là thể hiện đạo hiếu cao nhất của thế hệ chúng ta đối với Quốc Tổ Hùng Vương.
Kế thừa truyền thống quý báu ấy, trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân và sự cường thịnh của đất nước, hàng triệu thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, nhiều đồng chí, đồng bào đã hy sinh cho dân tộc. Nhiều đồng chí, đồng bào trở về sau chiến tranh mang trên mình thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn do vết thương hay bị nhiễm chất độc hóa học. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà, cha mẹ, người chồng, người vợ, con cháu, anh chị em mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu những mất mát lớn lao này. Người luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc, luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, các liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường. Người căn dặn: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn học tập tinh thần dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”(2).
Xuất phát từ tình cảm chân thành đó đối với thương binh, liệt sĩ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất nhưng Người vẫn không quên các thương binh, thân nhân liệt sĩ. Trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7-1-1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ”.
Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người mà còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Dù bận nhiều công việc, nhưng hầu như năm nào Người cũng gửi thư, tặng quà hoặc tới thăm thương binh và gia đình liệt sĩ. Bác trích một phần lương của mình, các món quà của đồng bào kính tặng để tặng cho các đồng chí thương binh. Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Người ký và ban hành các sắc lệnh về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; thành lập sở, ty thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh, đặt ra Bảng vàng danh dự, Bảng Gia đình vẻ vang để tặng thưởng cho các gia đình chiến sĩ và truy tặng, phong tặng các danh hiệu anh hùng, huân chương, huy chương cho các liệt sĩ, thương binh. Người nhấn mạnh: Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ và làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Những hành động của Bác không chỉ là sự tiếc thương mà còn thể hiện sự tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc.
Đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng tư tưởng của Người vẫn còn sống mãi và được thắp sáng trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt, trở thành phong trào của toàn xã hội, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm đối với những người có công với cách mạng và là việc làm thiết thực nhất để thể hiện lòng kính trọng đối với Bác Hồ kính yêu. Trong các chặng đường lịch sử cách mạng, điểm lại các nghị quyết và chiến lược, cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,… được thông qua tại các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến Đại hội XII (tháng 1-2016), đều xác định trách nhiệm của các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trong các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Gần đây nhất, Đại hội XII của Đảng lại một lần nữa khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội”(3). Các tầng lớp nhân dân trong cả nước, từ các cháu thiếu niên, nhi đồng đến người cao tuổi; từ các đơn vị, các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế; từ các cơ quan, trường học, bệnh viện đến các đơn vị làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo xa xôi,… đều có những việc làm nghĩa tình, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu hoặc một phần cơ thể cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Có thể thấy, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” những năm qua ngày càng đi vào chiều sâu.
Cùng với sự đổi mới của đất nước, công tác ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời.
Thấm nhuần tư tưởng về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ đại hội, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân làm tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn đất nước, nhiệm vụ quân đội, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng chính sách, gia đình quân nhân; phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung đồng bộ chế độ, chính sách, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, quân nhân thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần…
Để phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, có ý nghĩa thiết thực, như phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; tuyển dụng, tạo việc làm cho vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng; xây dựng, tu sửa các công trình tình nghĩa ở địa phương nơi đóng quân; tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, người hưởng lương đang công tác trong quân đội tích cực tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh; hỗ trợ kinh phí giúp Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây nhà tặng các hội viên cựu chiến binh có khó khăn về nhà ở; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công và nhân dân; đỡ đầu, kết nghĩa với các đoàn an, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin (Làng Hữu nghị) và tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, tặng quà động viên các đối tượng chính sách nơi căn cứ cách mạng, chiến khu, nơi biên giới, biển, đảo…
Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây (2008 – 2018), cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã vận động, tham gia đóng góp được hơn 699 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây mới 13.476 ngôi nhà tình nghĩa; trao 9.637 sổ tiết kiệm với số tiền 18,2 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách vào dịp các ngày lễ, tết với tổng trị giá 204,7 tỷ đồng; huy động lực lượng, hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ trị giá 198,8 tỷ đồng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, đối tượng chính sách và nhân dân với trị giá 230,2 tỷ đồng; hỗ trợ các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, trung tâm với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Toàn quân đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 2.867 bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng, tạo việc làm cho 338 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng. Đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận 1.146 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 8.200 trường hợp, hơn 5.500 bệnh binh. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tiến hành tích cực, hiệu quả, từ khi triển khai thực hiện Đề án 1237 đến nay, đã tìm kiếm, quy tập được hơn 15.600 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 7.200 hài cốt; ở Lào hơn 2.400 hài cốt; ở Cam-pu-chia gần 6.000 hài cốt). Phối hợp xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo 20 đài hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia với tổng số tiền hỗ trợ hơn 12.487.000 USD; 5 tượng đài “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào”, với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.
Với sự chủ động, sâu sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đối tượng chính sách, thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2000 đến nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương nhiều đề án về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách đối với các đối tượng nêu trên. Tính đến nay, toàn quốc đã có gần 4,2 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và đối tượng chính sách đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” do các đơn vị quân đội tổ chức luôn có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay, 95,75% số người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, 97% số người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú(4), 100% các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng; hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo trên khắp cả nước đã vươn lên thoát nghèo, có việc làm, nhà ở ổn định. Nhiều công trình dân sinh, như cầu, đường, trường học, bệnh xá quân – dân y,… được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng hiệu quả đã trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung và các đối tượng chính sách nói riêng. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy quyết tâm chính trị, tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng; từng bước đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách và nhân dân cả nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ quân đội; tạo thêm động lực, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, giữ vững truyền thống, thể hiện bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong tình hình mới, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cần tiếp tục được phát huy, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách. Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chính sách hậu phương quân đội, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 – 2020”. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy tình cảm, đạo lý, truyền thống dân tộc trong mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với các đối tượng chính sách và gia đình quân nhân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của “Bộ đội Cụ Hồ” và sự tri ân đối với những người có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, củng cố niềm tin, bồi dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở bám sát thực tiễn quân đội, tình hình đất nước, các cấp cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách ưu đãi người có công; chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của quân đội theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận xã hội, khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các chế độ, chính sách, đồng thời, xử lý nghiêm các vụ, việc tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định trong chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn. Phát hiện và giải quyết kịp thời nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đối tượng chính sách. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị và vận động nhân dân cùng phối hợp thực hiện. Tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh.
Nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước với phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng chung sức”. Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Quá trình tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; có chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội…./.