Má Ba – 40 năm may áo, nhặt ve chai để tặng quà người nghèo!

mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp
Có thể là hình ảnh về 1 người
Tuổi 84, nhiều người chọn cách sống thảnh thơi, an dưỡng tuổi già nhưng đôi chân má vẫn lên rừng, vượt núi, đến thăm những trại phong, mang tặng áo, quần do chính tay má cặm cụi may từng đường chỉ, vuốt từng nếp gấp. Má quan niệm: Con người khi chết đi còn lại gì ngoài “nghiệp và phước”, nên khi sống làm được gì cho đời cứ làm.
“Mình khổ nhưng người ta còn khổ hơn”
Má Ba là tên thân thương người ta vẫn thường gọi, chứ ít ai biết tên thật của má là Nguyễn Thị Nga (SN 1939, ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Miệng bỏm bẻm miếng trầu, thấy khách lạ, má cười tươi vì “lâu lâu mới có người đến chơi, chứ cả ngày lủi thủi một mình”.
Má một mình thật, vừa nói, má lấy điện thoại khoe mấy tấm hình “teen teen”, nào là “chứng nhận độc thân”, nào là “chứng nhận nghèo bền vững”. Má người Sài Gòn gốc, sinh ra tại quận 5, đường Nguyễn Chí Thanh. Năm 7 tuổi, bom rơi đạn nổ, má chạy loạn về chợ Xóm Mới (Gò Vấp). Cha của má là nhân viên hỏa xa (xe lửa) mua nhà cho má ở từ năm 1962 đến nay.
Trong căn nhà cấp 4, ngoài bàn thờ nghiêm trang thì vật quý giá nhất, gắn bó với má nhất là chiếc máy may cũ. Trong nhà má, chỗ nào cũng quần áo, chất thành đống, má còn cặm cụi xâu hạt chuỗi vì thấy mấy nữ bệnh phong lấy nắp chai để làm vòng cổ, khuyên tai. Sau lưng má ngồi, là một chiếc tủ đựng nào kim, chỉ, kéo, thước, phấn… Má xem đó là gia tài của cả đời.
Giữa nhà, má nằm ngủ trên một manh chiếu cói vì má bảo “theo Phật, cần gì nệm ấm, chăn êm”. Trên người má, cũng chỉ đôi bộ bà ba cũ mèm, một chuỗi hạt. Nghèo tiền bạc nhưng giàu nhân nghĩa.
Má kể, những năm 80, có người rủ đi miền Trung từ thiện, má đi liền. Bước chân đầu tiên cho hành trình kéo dài hơn 40 năm làm việc thiện của má là ở Bình Định và Quảng Ngãi. “Lúc đó, họ quần áo rách rưới, má nhìn mà không cầm được nước mắt. Con có biết 19 Trà không? (là 19 xã có tên Trà đầu tiên của huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi hồi trước năm 2002). Má đi hết cả, người đồng bào thương lắm. Đoàn của má kết nghĩa với họ, cứ đến trung tâm huyện là có người đón, vượt núi, vượt sông vào từng bản làng để phân phát quà”.
Kể từ lần đầu đó, má Ba lượm, xin những vải vụn từ các tiệm may, mang về may thành những quần, những áo. Dắt tay khách vào nhà, má chỉ từng đống vải, lật từng tấm ni lông, “Con coi nè, gia tài quý giá của má đó, quần áo cả ngàn cái. Má may để sẵn đó, lâu lâu đi một chuyến cho người ta hết. Mình khổ nhưng người ta còn khổ hơn. Mấy người bị phong đó, có ai dám lại gần, người ta sợ lây bệnh. Nếu mà lây cũng được nhưng mấy chục năm qua, má có mệnh hệ gì đâu”, má Ba chia sẻ.
Má ở một mình nhưng má không muốn phiền đến ai. Người xung quanh giúp bữa ăn, má không nhận. Cứ mỗi sáng, mở cửa, má lại thấy bịch thức ăn treo ở cửa nhà. “Riết rồi, má phải treo bảng không nhận đồ ăn. Má cần gì đâu, mỗi bữa một ít rau luộc chấm nước tương, một chén cơm là đủ. Phiền hà gì đến người khác”, má cười.
Mỗi ngày, sáng sớm, má dạo quanh xóm nhặt ve chai bán kiếm mấy ngàn mua rau, mua gạo và bỏ vào heo đất tiết kiệm. Xong đâu đó, má ngồi vào bàn may, đạp máy khâu từng đường chỉ, cần mẫn. Tiền người khác cho, má nhận nhưng không xài, má cho vào hai con heo đất. “Vậy mà cứ mấy tháng lại được cả chục triệu. Má đập ra, mấy trại phong thiếu gì má mua”, má Ba kể.
Giáo lý nhà Phật là kim chỉ nam cho cách sống của má. Với má, “giúp một người bằng cúng dường mười phương chư Phật” nên không bao giờ má thôi làm việc thiện. “Má làm việc này không phải là bố thí, càng không phải giúp ai, má đang giúp chính má đó. Cứ hễ còn sống ngày nào, má đều muốn làm việc thiện. Có mệt, nhưng nghĩ đến người bệnh phong, quần áo rách nát, má lại ngồi vào bàn may, như một thói quen”.
Đi bệnh viện vẫn làm việc nghĩa giúp đời
Má lấy tấm hình người con gái tuổi đôi mươi cho khách xem. Người con gái môi đỏ, má hồng, mắt long lanh, tóc đen tuyền ấy chính là má năm 23 tuổi. Má cười: “Hồi ấy cũng đẹp gái lắm. Nhưng bộn bề em út, lo kiếm sống cho gia đình đến khi “lỡ thì”. Người con gái “lỡ thì” ở vậy cho đến bây giờ.
Ai cũng nghĩ má có sức khỏe tốt nhưng thật ra, đời má, 4 lần giáp mặt “tử thần”. Người phụ nữ 84 tuổi trải 3 căn bệnh ung thư và 2 lần mắc COVID-19.
Từ năm 1985 đến 2010, má bị ung thư tử cung, ung thư vú rồi đến ung thư bàng quang. Căn bệnh quái ác không có thuốc điều trị ấy không quật ngã được người phụ nữ với tinh thần lạc quan. “Ung thư là chết hoặc cùng lắm có tiền điều trị kéo dài được vài năm. Má nghèo, điều trị có được là bao. Một mình, đau quá, má bắt xe vào bệnh viện khám, xạ trị, hóa trị. Có những lần đau tưởng chết mất. Thế mà không chết, ông “tử thần” quay mặt, chắc sợ má xuống dưới kia mà vẫn còn tiếc việc thiện trên đời. Nói vui chứ thật ra do tinh thần má lạc quan lắm, má không sợ chết. Hồi đi giúp người ta trong bệnh viện ung bướu, nghĩ một ngày nào đó mình cũng bị y vậy thì làm sao. Thế nên má cứ mặc kệ, cứ sống ngày nào, mình làm việc thiện, sống nghĩ đến người khác ngày đó”, má Ba kể.
Năm 2021, trong đỉnh dịch COVID-19 ở TP HCM, má bị “dính”. Má lo một mình nên gọi cho bác sĩ quen. Bác cho xe đến tận nhà đưa má vào bệnh viện Gò Vấp để điều trị. “Má tưởng chuyến này đi luôn, già lại mang trong người bệnh nền, nào ung thư 3 lần, huyết áp… Bao nhiêu bác sĩ, tình nguyện viên lo lắng vì không nghĩ má sống được. Nhưng mà má khỏe re à. Ngày nào cũng được cấp 4 viên thuốc uống. Sáng sớm, má dậy tập thể dục, hít thở không khí. Thấy người chung phòng, chung tầng khó thở, cứ nằm, má chịu không được cái máu “giúp đời”, má đến từng giường, đi từng phòng gọi người bệnh dậy, khuyên răn tập thể dục, tập hít thở, vững tinh thần. Họ thấy mình già nhưng vẫn lạc quan nên làm theo”.
“Trong bệnh viện, thấy nhà vệ sinh bị nghẹt mà tình nguyện viên chưa xử lý được, má xoắn tay áo móc cho thông. Ôi, mình già rồi, sắp chết rồi còn không sợ, sợ gì mấy cái thứ đó. Cứ nghĩ là đồ ăn của con người thải ra thì có hôi thối gì đâu”, má Ba chia sẻ.
14 ngày điều trị, hết bệnh, má xin ở lại để giúp đỡ người khác nhưng “mấy ông bác sĩ đuổi vì sợ má bị lại, sợ má chết”. Về nhà, má lại tiếp tục nhặt ve chai kiếm sống, may quần áo cho người nghèo. Sau này, má bị mắc COVID-19 thêm lần nữa nhưng rồi vượt qua. Có lần, má bị té, chấn thương cột sống, đi lại không được phải bò nhưng không hiểu sao, ba tháng sau, má khỏe, đi lại được thậm chí còn chạy xe máy.
Từ đầu năm đến giờ, má đã hai chuyến đến trại phong ở Đắk Lắk và Kon Tum. Thấy bà cụ “gần đất xa trời” nhưng vẫn miệt mài vì người nghèo, nhiều bạn trẻ xin theo chung đoàn. Má vui lắm. Đồ má may, má chăm chút từng đường chỉ, từng nếp gấp. Chỗ nào lỗi, chỗ nào không đẹp, má tháo ra may lại. Má bảo: “Đồ má may cho người nghèo là đồ cúng cho Phật nên phải đẹp, phải đường hoàng, không qua loa được. Cái gì má cũng dễ nhưng đồ má tặng cho người nghèo rất khắt khe. Có mấy bạn đến đây phụ gấp quần áo để mang đi tặng nhưng má thấy không vừa lòng nên tự tay làm. 40 năm rồi chưa tìm được người gấp quần áo phụ má”.
Bây giờ, má không sợ chết, má sợ nhất là không còn được may quần áo cho người nghèo: “Con tìm ai nối nghiệp giúp má. Vải còn nhiều lắm, má mới mua”. Với má, sống ngày nào, làm việc thiện ngày đó vì khi chết đi con người chỉ còn lại “nghiệp và phước”…
Bà Đặng Hồ Trung Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 17, quận Gò Vấp cho biết: Má Ba là một tấm gương thiện nguyện đáng để cho những người trẻ noi theo. Các hoạt động thiện nguyện tại phường má Ba đều tham gia. Nhiều lần má chủ động gọi điện hoặc đến phường hỏi có hoạt động thiện nguyện hay không để tham gia nhưng nhiều lúc chúng tôi lo má Ba không đủ sức khỏe. Phường cũng quan tâm chăm lo đời sống, tặng quà cho má Ba trong các dịp lễ, Tết.
BTG tổng hợp

Trả lời