Xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch và bảo vệ để Đảng luôn vững mạnh là một nhiệm vụ rất quan trọng, là tất yếu khách quan trong bối cảnh mới. Xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng là các hoạt động có mối quan hệ mật thiết với nhau, đan xen vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và làm tiền đề cho nhau. Nội bộ Đảng được xây dựng vững chắc, đoàn kết thống nhất, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đội ngũ đảng viên trong sạch, thì không một thế lực nào có thể chống phá được. Thực hiện tốt việc bảo vệ Đảng sẽ giúp việc xây dựng Đảng được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, có chất lượng cao. Qua đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phê phán các nhận thức lệch lạc, các việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, Đảng nhận thấy đầy đủ, cụ thể hơn những chủ trương cần hoàn thiện, những nhiệm vụ cần thực hiện, những trọng tâm cần tập trung giải quyết, những vướng mắc cần được khắc phục, những phương thức thực hiện cần đổi mới, cải tiến trong công tác xây dựng Đảng. Trong xã hội có giai cấp, các chính quyền của giai cấp cầm quyền đều luôn phải bảo vệ đường lối, chính sách và bộ máy tổ chức của mình; các lực lượng tiến hành cách mạng luôn phải bảo vệ cách mạng, bảo vệ các thành quả mà cách mạng đã giành được, trong đó “toàn thể giai cấp vô sản đã được tổ chức phải tự bảo vệ mình, và chúng ta cần phải dùng những tổ chức công nhân đó để bảo vệ công nhân khỏi bị sự xâm phạm của nhà nước của họ và để công nhân bảo vệ nhà nước của chúng ta”. Khả năng tự bảo vệ của đảng cộng sản cầm quyền chứng tỏ ý nghĩa sự tồn tại của đảng, thể hiện sức mạnh của đảng và trách nhiệm của đảng trước giai cấp, các lực lượng cách mạng, nhân dân và dân tộc, là “bảo vệ danh dự của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Sự kiện Đảng Cộng sản Liên Xô – một đảng do V.I. Lê-nin lãnh đạo, đã trải qua quá trình xây dựng lâu dài, vượt qua nhiều thử thách khốc liệt, có trên 20 triệu đảng viên – bị mất vai trò cầm quyền, tan rã, kéo theo cả sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước cho thấy, nếu không làm tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và các nguyên tắc tổ chức của đảng, thì mọi thành quả xây dựng đảng sẽ tan biến chỉ trong một thời gian ngắn. Giai cấp tư sản biết rõ sức mạnh, vai trò của đảng cộng sản đối với các lực lượng cách mạng, nên chúng tìm mọi cách để thủ tiêu đảng cộng sản bằng việc truy lùng, bắt bớ đảng viên, cài gián điệp vào nội bộ đảng… Khi đảng cộng sản có chính quyền, các thế lực thù địch – bao gồm cả các thế lực xâm lược và đại diện của các giai cấp bị mất chính quyền – cũng coi việc chống phá đảng cộng sản cầm quyền là vấn đề hàng đầu trong âm mưu chống chủ nghĩa xã hội. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá nước ta, việc chống phá Đảng của các thế lực thù địch bao gồm nhiều thủ đoạn: Phản bác vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng; công kích đường lối, chủ trương của Đảng; thổi phồng các hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và những vi phạm của một số tổ chức đảng, đảng viên để phủ nhận năng lực lãnh đạo của Đảng; bài bác các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng; làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng… Đặc biệt nguy hiểm là chúng mua chuộc, dụ dỗ, kích động các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn trong nội bộ câu kết với các thế lực phản động bên ngoài để chống phá Đảng. Vì thế, việc bảo vệ Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, không khoan nhượng.
Xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng gắn liền với bối cảnh của tình hình thế giới, đất nước và nội bộ Đảng. Trong khi đó, tình hình chung và tình hình phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới, tình hình và nhiệm vụ của đất nước luôn biến động. Trên bình diện tổng quát có thể thấy rõ xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng trong điều kiện có chính quyền khác căn bản với khi chưa có chính quyền; trong thời kỳ đổi mới đất nước cũng khác những năm trước đổi mới. Sự gắn kết, kết hợp giữa xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng hiện nay cũng có nhiều điểm mới. Khi công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao và khẳng định mạnh mẽ, thì các thế lực thù địch càng điên cuồng, ráo riết chống phá. Khi cơ chế thị trường đi sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, những tiêu cực trong nội bộ có lúc diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, có sự câu kết hình thành các “nhóm lợi ích” phức tạp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở thành những nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Một trong những nhiệm vụ bảo vệ Đảng gắn với xây dựng Đảng là Đảng nhìn thẳng, công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình và kiên quyết khắc phục, sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải một cách dễ hiểu về nguyên nhân có những tiêu cực trong Đảng: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Theo Người, việc thừa nhận và khắc phục sai lầm, khuyết điểm của Đảng cũng chính là xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng, bởi “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(8). Người cũng yêu cầu, để bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng phải khắc phục tình trạng “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Trong bài “Thủ đoạn của phái thủ tiêu và nhiệm vụ đảng bôn‐sê‐vích” viết ngày 28-11-1909, V.I. Lê-nin đã khẳng định, cuộc đấu tranh khắc phục cuộc khủng hoảng trong nội bộ Đảng Dân chủ – xã hội Nga vừa là để bảo vệ Đảng, vừa là để xây dựng và rèn luyện Đảng, đó “là một nhiệm vụ cần thiết để bảo vệ sách lược đúng đắn của Đảng dân chủ ‐ xã hội cách mạng và để xây dựng đảng. Chính phái bôn‐sê‐vích đang kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh đó, qua đó mà rèn luyện và đoàn kết tất cả những phần tử dân chủ ‐ xã hội thật sự theo đảng, thật sự mác‐xít”. Định hướng xây dựng Đảng là toàn diện, với mong muốn có được một Đảng lý tưởng. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng Đảng mới cho thấy rõ đâu là những vấn đề trọng tâm, nổi cộm cần giải quyết, công tác xây dựng Đảng cần đổi mới ra sao, chấn chỉnh những gì và qua các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Đảng thấy rõ phải làm gì để bảo vệ Đảng. Chẳng hạn, xây dựng Đảng là nhiệm vụ, công việc thường xuyên của Đảng, nhưng đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 1-2012) xác định kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch gần đây được Đảng ta nhấn mạnh qua Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Chính qua đấu tranh bảo vệ Đảng mà khẳng định mạnh mẽ hơn giá trị to lớn, vững bền của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sức mạnh và các cống hiến lớn lao của Đảng đối với dân tộc; các thành tựu vĩ đại của cách mạng và nhân dân ta; bản chất, sức sống của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Cũng qua các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà nội bộ Đảng đoàn kết, thống nhất hơn; các nội dung công tác tư tưởng của Đảng được sâu sắc hơn, các lập luận sắc bén hơn, tăng thêm luận cứ lý luận và thực tiễn, có sức thuyết phục, hấp dẫn cao hơn.
Công Trí