Nâng cao đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ tự giác, thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, việc rèn luyện đạo đức cách mạng theo chỉ dẫn của Người và tinh thần Đại hội XIII của Đảng chính là góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi đảng viên, cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

1 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đến những bến bờ thắng lợi; đồng thời, là một danh nhân văn hóa thế giới, nên Người luôn hiểu rõ và thực hành các chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc, đồng thời kế thừa những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Với tầm vóc của một nhân cách lớn, không phải đến khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, có vị trí và vai trò ngày càng vững chắc trong lòng nhân dân, được lịch sử ghi nhận qua những thắng lợi vĩ đại do Đảng lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; mà ngay từ khi Đảng ta còn ở buổi sơ khai, đến những ngày đầu chính thức cầm quyền sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời của người cách mạng.

Khi Đảng còn chưa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đặc điểm của các dân tộc phương Đông là luôn tôn trọng và đánh giá cao những tấm gương đạo đức trong sáng, cao cả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Những bậc vua sáng, tôi hiền trong lịch sử từ xa xưa có công mở mang bờ cõi, giữ yên sự vững bền của xã tắc, cho đến những bậc tiên hiền, những vị có công lập làng, giữ xóm… luôn được nhân dân ghi nhận, tôn làm thánh, thờ làm thành hoàng và truyền tụng từ đời này qua đời khác. Vì thế, ngay từ đầu những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát đặc điểm này của dân tộc Việt Nam nói riêng, các dân tộc Á Đông nói chung, để đưa ra chỉ dẫn cần thiết cho mỗi người cộng sản trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ vững sự tin yêu của quần chúng nhân dân: Đối với các dân tộc Á Đông, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Năm 1927, qua tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã chỉ rõ những yêu cầu về đạo đức của người cộng sản, về tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Tu dưỡng, rèn luyện theo những chỉ dẫn đó, các lớp đảng viên tiền bối của Đảng đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình để tô thắm thêm đạo đức trong sáng của người cách mạng, nên đã thuyết phục được nhân dân một lòng một dạ tin vào Đảng, đi theo Đảng. Cũng vì thế, mặc dù chỉ có chưa tới năm nghìn đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đem lại độc lập cho dân tộc sau hơn 80 năm dưới ách thực dân xâm lược, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, các cán bộ, đảng viên của Đảng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, tỏ rõ sự xứng đáng với danh hiệu đảng viên cộng sản cao quý. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, thì những đảng viên của Đảng trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở công tác trong hoàn cảnh, điều kiện mới, khi kẻ thù trước mặt không chỉ là quân thù và hy sinh, mất mát là mạng sống cá nhân, mà còn phải đối diện với những “viên đạn bọc đường”, luôn làm xao động ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của họ để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Nhận thấy rõ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên về nghĩa vụ của họ trước quốc dân, đồng bào và chỉ rõ: Đảng không phải là tổ chức để làm quan, phát tài, mà là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; vì thế, đảng viên phải luôn rèn luyện, phấn đấu, luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Những lời căn dặn, nhắc nhở của Người giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, thấy rõ những tiêu chí cần phải kiên trì tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của quần chúng nhân dân, với nhiệm vụ do Đảng giao phó, xứng với danh hiệu đảng viên cộng sản.

Những yêu cầu đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong nhiều bài nói, bài viết ngay từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gửi đội ngũ cán bộ, đảng viên và bộ máy chính quyền các cấp, ở các vùng, miền và thể hiện tập trung hơn cả chính là ở tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, năm 1947. Đây có thể xem như một bộ tổng tập đầu tiên về những tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản, về yêu cầu và chỉ dẫn đối với hoạt động của chính quyền cách mạng, là sự cảnh báo về những thói hư, tật xấu mà người cán bộ, đảng viên hay mắc phải, để từ đó đề ra biện pháp phòng, chống những thói hư, tật xấu đó. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đảng ta cầm quyền trên một nửa lãnh thổ trong điều kiện phải chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc và chi viện cho phong trào cách mạng miền Nam đấu tranh giải phóng đất nước. Khi đó, những thói hư, tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín, sự vững mạnh, hiệu quả lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhận thức rõ nguy cơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là tác phẩm Đạo đức cách mạng, viết năm 1955; tác phẩm Đạo đức cách mạng, viết năm 1958, đặc biệt là tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân viết năm 1969.

2– Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng việc nêu bật những thành tích của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Có được những thành tích đó là nhờ đông đảo đảng viên luôn kiên trì phấn đấu theo lý tưởng của Đảng, trở thành những người đi trước mở đường, dẫn dắt quần chúng nhân dân chinh phục những cột mốc trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, vẫn “còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”(1), họ chính là những người “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”(2). Vì sa vào chủ nghĩa cá nhân, nên họ “tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”(3), họ cũng “mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(4).

Để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”(5). Về phía mỗi đảng viên, Người yêu cầu phải “đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(6).

Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan của chủ nghĩa cá nhân. Nguyên nhân chủ quan, là do những cá nhân này thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên “phẩm chất, đạo đức còn thấp kém”. Nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân từ thực tế xã hội khi những tồn dư do xã hội cũ để lại từ lối mòn suy nghĩ, đã tác động không tốt tới nhận thức chính trị của một số đảng viên, khiến cho họ tuy là đảng viên nhưng chưa thực sự xứng đáng với tư cách đảng viên cộng sản. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nghiêm túc trong thực hiện việc theo dõi, bồi dưỡng, đánh giá trước khi kết nạp quần chúng vào Đảng; sau khi kết nạp đảng, không nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, như tự phê bình và phê bình, tập trung dân chủ… trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Những hạn chế đó khiến cho một số cán bộ, đảng viên thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng, ít được kiểm tra, giúp đỡ trong công việc và sinh hoạt hằng ngày, nên đã làm cho căn bệnh cá nhân chủ nghĩa phát sinh và ngày càng trầm trọng.

Để ngăn ngừa và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biện pháp căn bản. Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên trì, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải “đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”, “phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Thứ hai, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường việc giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về các tiêu chí của người cộng sản; trong đó, cần chú ý “về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Thứ ba, thực hiện nghiêm các biện pháp xây dựng Đảng về tổ chức, như “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng… Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”. Thứ tư, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo đó tổ chức đảng các cấp “Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”.

Những chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn luôn là kim chỉ nam cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cũng như mỗi đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người cộng sản một cách hiệu quả.

3– Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những chỉ dẫn quan trọng của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, thời gian tới, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện có hiệu quả những nội dung Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Một là, làm tốt việc giáo dục lý tưởng cách mạng, quan điểm, đường lối của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của toàn hệ thống chính trị và lan tỏa trong nhân dân, để quan điểm, đường lối chính trị khoa học, cách mạng trở thành dòng chủ lưu chính chi phối suy nghĩ, hành động của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt; chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng là định hướng quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, góp phần bảo đảm kết quả thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt yêu cầu, mục đích đề ra.

Thời gian qua, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn tình trạng “việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời… Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(7). Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành phải: “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, “Công tác tư tưởng phải… làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội”(8).

Hai là, làm tốt công tác phát triển đảng viên. Trong thời gian qua, việc “Kết nạp đảng viên một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng… Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên, thiếu cương quyết”(9).

Để khắc phục những hạn chế đó, đồng thời nâng cao chất lượng đảng viên, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là: “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”(10). Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Cần làm tốt công tác lựa chọn, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú và việc rèn luyện, thử thách cán bộ, đảng viên trong thực tiễn cách mạng. Cần tuân thủ nghiêm chỉ dẫn của V.I. Lê-nin trong phát triển đảng viên là “thà ít mà tốt”. Đảng vững mạnh không phải ở số lượng đông đảo đảng viên, mà ở sức mạnh to lớn, đầy thuyết phục do những thành viên xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản thể hiện trước quần chúng nhân dân, trong thực tiễn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là, tổ chức đảng các cấp cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, như tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình,… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Sức mạnh của Đảng nói chung, của mỗi tổ chức đảng nói riêng là ở sự đồng tâm nhất trí của tập thể cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ; cùng hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng; cùng giúp nhau chiến thắng những kẻ thù ẩn sâu bên trong bản thân mỗi người – những suy nghĩ mang tính cá nhân ích kỷ, không vì lý tưởng, sự nghiệp chung…

Thời gian qua, “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”(11). Để khắc phục, đẩy lùi những hạn chế, khuyết điểm nói trên của đảng viên, tổ chức đảng, thời gian tới cần “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng… Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm”(12).

Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng chỉ hoàn thành được sứ mệnh của mình khi luôn hướng mọi hoạt động của mình vào phục vụ nhân dân; giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Thời gian qua, tổ chức đảng các cấp, bên cạnh những thành tích đạt được trong việc phục vụ nhân dân, cũng như việc bảo đảm chịu sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp”(13). Vì thế, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đặc biệt “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt”(14)./.

———————-

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 546
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 546-547
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 547
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 547
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 547
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 547
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 168
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 231, 232
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 190
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 241 – 242
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 179
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 241
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 179
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 238

Theo TCCS

Trả lời