* Cảm hóa thanh niên chậm tiến
Năm 2010, anh Phan Thế Đại (27 tuổi, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo) vì chủ quan, thiếu quan sát khi lái xe đã gây ra TNGT làm chết người và bị kết án 14 tháng tù giam. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Đại kể: “Tôi đã trải qua 11 tháng ở Trại giam Kim Sơn, huyện Hoài Ân để suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Chỉ vì sơ suất nhỏ mà tôi tước đi cuộc sống của người khác. Tôi phải trả giá đã đành, còn vợ và con nhỏ ở nhà khổ sở, chật vật mưu sinh lại chịu điều tiếng”.
Ra trại, trở về địa phương, những lo lắng của anh Đại về việc làm, nghề nghiệp, hòa nhập cộng đồng đã được giải tỏa khi anh được các anh em ở Xã đoàn đến tận nhà động viên, hướng dẫn tham gia sinh hoạt tổ chức Đoàn – Hội. Quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Đại tìm đến với nghề thợ xây và được giới thiệu đi làm với nhóm thợ trong xã. Từ công việc thợ xây, anh Đại đã chăm lo cho bản thân và gia đình tốt hơn. Vừa qua, anh là một trong 3 thanh niên hoàn lương tiêu biểu của huyện Vĩnh Thạnh được tuyên dương tại Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng Trại giam Kim Sơn tổ chức.
Điểm nổi bật trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong ĐVTN huyện Vĩnh Thạnh thời gian qua là giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến đạt kết quả cao. Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn đã phối hợp với các ngành, đoàn thể mở 9 lớp giáo dục pháp luật cho 76 thanh niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, qua đó đã cảm hóa được các đối tượng. Anh Trần Cao Sang, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Thịnh, cho biết: “Đối với những thanh niên ra tù trở về địa phương, chúng tôi thường trực tiếp đến nhà để trò chuyện nắm bắt tâm tư tình cảm. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có phương án giúp đỡ thích hợp để họ tái hòa nhập cộng đồng”.
* Xây dựng nhiều mô hình điểm
Tại Trường THPT Vĩnh Thạnh, bên cạnh tích cực lồng ghép các chuyên đề về pháp luật cho học sinh trong các buổi chào cờ, sinh hoạt cuối tuần, Đoàn trường còn thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT”. Anh Nguyễn Tuấn An, Bí thư Đoàn trường THPT Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần tan học, lượng học sinh đổ ra cổng trường chính rất đông nên thường gây ách tắc giao thông, nhà trường mở thêm các cổng phụ nhưng cũng không giải quyết được. Từ năm 2012, Đoàn trường thực hiện mô hình này. Cứ tan trường, một tổ giáo viên và học sinh gồm 12 – 15 người lại trực trước cổng để phân luồng giao thông, tránh tắc đường”.
Anh Lê Văn Vinh, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh, cho biết thêm, để hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐVTN đạt hiệu quả, đầu năm, Huyện đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn, triển khai thực hiện cho ĐVTN ở 100% các cơ sở Đoàn trực thuộc. Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp với các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền các vấn đề có liên quan đến thanh niên thông qua các hoạt động như: Hội thi “Thanh niên với văn hóa giao thông” thu hút hơn 500 ĐVTN; phiên tòa giả định về ATGT tại Trường PTDTNT huyện; tổ chức cho hàng ngàn học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật. “Tuy phạm pháp hình sự liên quan đến TTN từ đầu năm đến nay có tăng 2 vụ (đều là án giao thông) so với cùng kỳ nhưng án hình sự nghiêm trọng không xảy ra, hiện tượng TTN tụ tập băng nhóm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, tình trạng trộm cắp tài sản đã được hạn chế đáng kể. Đó là nhờ công tác phối hợp tuyên truyền đã đi vào chiều sâu, làm cho tư tưởng, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ĐVTN được nâng cao đáng kể, góp phần giảm dần tỉ lệ TTN vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội trên địa bàn”, anh Vinh cho biết thêm.