Bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tại miền Trung- Tây Nguyên, nhiều năm qua Học viện Chính trị khu vực III còn quan tâm nghiên cứu, tuyên truyền và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Học viện Chính trị khu vực III hằng năm đều tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, quản lý chủ chốt các cấp tại miền Trung – Tây Nguyên. Trong nhiệm vụ chung này, Học viện xác định công tác nghiên cứu chủ quyền biển, đảo Việt Nam và tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nội dung quan trọng, lâu dài.
Để đảm bảo triển khai nhiệm vụ trên bài bản, hiệu quả, Học viện đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa theo Quyết định số 2039/QĐ-HVCTQG ngày 24/5/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội…; tập hợp biên tập và giới thiệu các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, thông tin tuyên truyền; phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo kể trên.
Thông tin về nhiệm vụ này tại đơn vị, TS.Lê Nhị Hoà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa- Học viện Chính trị khu vực III cho biết: Có 03 nội dung hết sức quan trọng được lãnh đạo Học viện và Trung tâm dành nhiều quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Đó là quan tâm tổ chức các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về chủ quyền 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Học viện Chính trị khu vực III; xác định nội dung tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam trên 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với các đối tượng; tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
TS.Lê Nhị Hoà khẳng định: Đối với nhiệm vụ nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa tập trung triển khai chủ yếu qua thực hiện các đề tài khoa học, hội thảo, toạ đàm; viết bài đăng tải trên các tạp chí quốc gia.
“Thời gian qua, đáng kể nhất là Học viện và Trung tâm đã triển khai thực hiện thành công đề tài cấp bộ “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” do PGS.TS Trương Minh Dục làm Chủ nhiệm năm 2021; đề tài cấp bộ “Báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam” do TS.Trần Văn Thạch làm Chủ nhiệm năm 2018. Cạnh đó, chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện nhiều đề tài cấp cơ sở có chất lượng tốt” TS.Lê Nhị Hoà thông tin.
Cùng với việc nghiên cứu các đề tài khoa học cấp bộ và cấp cơ sở kể trên, nhiều đề tài nguyên cứu, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến liên quan đến lịch sử, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được Học viện Chính trị khu vực III và Trung tâm nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa triển khai hiệu quả, thiết thực liên tục nhiều năm qua. Trong đó, năm 2020 “Chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa (nhiệm vụ khoa học cấp Học viện do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà làm Chủ nhiệm, thực hiện từ 6/2019 đến 12/2020) với mục tiêu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982; góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và tăng cường nhận thức chung giữa các quốc gia ven Biển Đông, thu hẹp sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm giải quyết hoà bình tranh chấp chủ quyền 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tăng cường tin cậy, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định trên Biển Đông.
“Việc triển khai “Chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa” đã bước đầu tạo môi trường, diễn đàn khoa học để tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Học viện Chính trị khu vực III; từng bước kết nối với các mạng lưới nghiên cứu về biển, đảo trong khu vực miền Trung và trên cả nước; thúc đẩy kênh giao lưu học giả nghiên cứu trong nước về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam và chủ quyền 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”- TS.Lê Nhị Hoà chia sẻ.
Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa- Học viện Chính trị khu vực III, từ Hội thảo “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” diễn ra vào tháng 1/2019, nhiều giảng viên, nghiên cứu tại Học viện Chính trị khu vực III tiếp tục nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, chủ quyền 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên nhiều tạp chí quốc gia, hội thảo quốc gia, hội thảo quốc tế.
Theo ĐCS