Cho đến thời điểm hiện tại, khó thống kê đầy đủ số lượng tác phẩm văn học lấy hình ảnh người giáo viên làm trung tâm.
Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn nói đến hai tuyển tập truyện ngắn viết về nhà giáo: “Vằng vặc một tấm lòng” và “Mùa cát nổi” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành và được tái bản nhiều lần.
Hai tuyển tập gồm 43 truyện ngắn của 43 cây bút trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có không ít tác giả là những người trong nghề. Những câu chuyện trong hai tuyển tập không chỉ bó hẹp trong không gian nhà trường với học trò, giáo án, bảng đen, phấn trắng mà được mở rộng tối đa ra các không gian khác như bệnh viện, nhà trọ, chiến trường… với những mối quan hệ xã hội phức tạp, đan chéo vào nhau nhằm khắc họa hình ảnh người giáo viên trên nhiều phương diện, tình huống để đưa đến một cái nhìn đa chiều, chân thật và toàn diện nhất về những người “chở đò trên con thuyền giáo dục”. Mặc dù còn một số hạn chế như nhiều chi tiết mang tính chất gượng ép, khiên cưỡng, lộ rõ dấu vết sắp đặt của tác giả, văn phong có câu, có đoạn chưa được trau chuốt, tinh tế nhưng có thể nói, các truyện ngắn trong hai tuyển tập đều toát lên hình ảnh người giáo viên cao đẹp, toát lên khát vọng về một nền giáo dục khai phóng, tiên tiến, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho học trò.
Bìa sách “Vằng vặc một tấm lòng”. |
Các thầy, cô giáo từ thầy Tâm tóc bạc trải qua chiến tranh trong “Vằng vặc một tấm lòng” của Đỗ Hữu Minh cho đến những người mới ra trường, công tác nơi biên giới, hải đảo, miền núi xa xôi, gian khổ như cô Hoa trong “Suối Hoa” của Nguyễn Thị Huyền Trâm, cô Sóng trong “Mùa cát nổi” của Trung Phương, hay nơi thành thị phồn hoa, đông đúc như cô giáo Hoa trong “Phố nhà giáo” của Trần Như Đức… tất cả đều đến với học trò bằng cái tâm sáng của người thầy. Thầy Minh trong “Chiếc đinh thuyền” của Trần Khanh, cô Phương trong “Giữa dòng ân oán” của Nguyễn Thị Thúy Hồng vừa là người truyền đạt tri thức, vừa khuyên nhủ, bảo ban những điều hay lẽ phải, những bài học làm người, đối nhân xử thế để học trò của mình tránh được những phút bốc đồng của tuổi trẻ, không sa ngã vào tệ nạn xã hội, trở thành những người có ích cho xã hội. Với những trường hợp học sinh có gia cảnh neo đơn, khó khăn, các thầy cô còn đóng vai “nhà hảo tâm” kêu gọi sự giúp đỡ của nhà trường, ban phụ huynh và xã hội để các em không bị bỏ dở việc học hành như cô Chi trong “Kỷ niệm một bức tranh” của Hoàng Lân, thầy Sơn trong “Phía bên lề bục giảng” của Lê Minh Quốc.
Không chỉ ngợi ca tình thầy trò, các truyện ngắn trong hai tập truyện trên còn đề cập đến tình đồng nghiệp trong sáng, giúp đỡ nhau giảng dạy và trong cuộc sống. Nhờ có sự khuyên bảo, động viên và giúp đỡ kịp thời của các đồng nghiệp mà cô Tâm trong “Cái tâm nhà giáo” của Nguyễn Văn Thanh, thầy Quang trong “Vì Quang là nhà giáo” của Thế Thị Thùy Dương đã vượt qua được những thời khắc khó khăn để tiếp tục đứng trên bục giảng với học trò.
Có thể nói, mỗi câu chuyện trong “Vằng vặc một tấm lòng” và “Mùa cát nổi” là một lời ngợi ca, tôn vinh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực khiến mỗi con người chúng ta thêm tin tưởng vào vẻ đẹp của tình thầy trò nói riêng và của cuộc sống nói chung.
MINH TRANG