Nhà giáo nhân dân Huỳnh Duy Thủy: Hãy nghĩ về quê hương, đất nước trước tiên

Chưa được phân loại

Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy (62 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ toán – tin Trường THPT chuyên Chu Văn An, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là nhà giáo nhân dân duy nhất của tỉnh Bình Định tính đến thời điểm hiện tại.

Hãy nghĩ về quê hương, đất nước trước tiên - Ảnh 1.

Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ của mình trong 40 năm đứng trên bục giảng – Ảnh: LÂM THIÊN

Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy được Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định ngày 27-6-2024 về việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định có nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. 

Hiện tại thầy Thủy đã nghỉ hưu. Tuy nhiên thầy vẫn còn rất tâm huyết với ngành giáo dục và toán học. Không còn đứng trên bục giảng nữa, ông dành thời gian với thể thao, đọc báo và tìm cách giải những bài toán khó.

Việc khiến tôi hạnh phúc nhất là giúp các học sinh của mình trưởng thành cả về trí tuệ và đạo đức. Tôi luôn xem học trò là người bạn, người con của mình. Tôi sẵn sàng trao đổi, hướng dẫn, lắng nghe và giảng giải cho các em thấu hiểu.

* Thưa thầy, trong 40 năm giảng dạy, kỷ niệm nào làm thầy nhớ nhất?

– Bốn mươi năm trôi qua thật nhanh. Tôi nhớ như in thời điểm 1984, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và trở về quê để giảng dạy. Lúc đó tôi về Trường THPT Hoài Nhơn 1 nay là Trường THPT Tăng Bạt Hổ (thị xã Hoài Nhơn).

Ngày đó, cuộc sống vất vả lắm. Điều khiến tôi gắn bó với nghề và luôn say mê với nghề chính là ký ức sâu đậm vào năm 1972. Khi ấy tôi còn nhỏ. Tôi gặp chú bộ đội ở quê đánh trận với gói cơm vắt trên vai.

Tôi hỏi: Chú đi đánh trận, chú không sợ chết sao? Chú bộ đội bảo nếu chú đánh trận này mà chú chưa chết thì chú sẽ đánh thêm trận sau, trận sau nữa. Đánh cho đến khi nào đất nước được thống nhất, non sông một dải vững bền và các cháu nhỏ giữ được nụ cười trên môi.

Thế rồi sau trận đánh ngày đó, chú bộ đội đã hy sinh. Tôi thương chú vô cùng, Cuộc sống gian khó nhưng chú luôn nghĩ về tương lai đất nước, về thế hệ mai sau. Khi bắt đầu đi dạy, tôi luôn nhớ về hình ảnh chú bộ đội năm nào trò chuyện với mình để cố gắng vươn lên trong công việc. Tôi ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình với những thế hệ cha anh đã ngã xuống để tôi được lớn lên bình yên.

40 năm đứng trên bục giảng có rất nhiều điều để tôi nhớ. Nhưng nhớ nhất là lần tôi được trình bày những tìm tòi mới của toán học ở đại hội toán học Việt Nam lần thứ 9, tổ chức ở Nha Trang (Khánh Hòa) tháng 8-2018.

Tại đại hội có rất nhiều chuyên gia đầu ngành trong cộng đồng toán học Việt Nam, tôi trình bày báo cáo “Luận bàn về cách tiếp cận, khai thác và đề xuất giải pháp mới cho một số bài toán IMO-VMO-OLYMPIC”. Ở đây, tôi học được nhiều điều từ phản biện của các nhà toán học trong nước và quốc tế, với một tâm trạng háo hức nhưng cũng không tránh khỏi đôi chút bối rối.

Tôi có một học trò “ruột” tên là Trà Trần Quý Thiên. Em ấy rất thông minh và giỏi toán. Hồi đó, nhiều đêm tôi cùng Thiên ngồi ở văn phòng nhà trường cùng nhau tìm cách giải những bài toán khó. Mãi tận 23h tôi đưa em về trên chiếc xe đạp.

Ngày ấy, Thiên hai lần đoạt giải nhì học sinh giỏi toán cấp quốc gia và được vào đội dự tuyển thi toán quốc tế. Ở cậu học trò này có một niềm say mê với toán cực kỳ lớn.

* Khi được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, cảm xúc của thầy như thế nào?

– Bản thân tôi rất vui, vui lắm! Cảm xúc thật khó tả! Và thành tựu này không chỉ của riêng tôi mà là của cả tập thể. Tôi thành tâm bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến quý cấp lãnh đạo luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ mạnh mẽ cho tôi.

Cảm ơn quý thầy cô luôn đồng hành, chia sẻ cùng tôi. Đặc biệt, cảm ơn các em học sinh đã tạo cho thầy động lực, bền bỉ trên cả một chặng đường dài!

* Thầy có lời khuyên gì dành cho các đồng nghiệp trẻ hay không?

– Tôi không dám khuyên mà chỉ xin chia sẻ những chiêm nghiệm của mình và trải lòng về nghề giáo với các bạn trẻ. Hiện nay, giáo viên là nghề đối mặt với nhiều áp lực. Tuy nhiên các bạn đừng lo sợ. Đã là giáo viên đứng trên bục giảng, các bạn phải nghiêm túc trong từng trang giáo án của mình. Các bạn hãy hết mình vì học sinh.

Tôi thấy bây giờ có nhiều bạn trẻ rất giỏi và học sinh cũng rất giỏi. Nếu có những tình huống không hay xảy ra, các bạn hết sức bình tĩnh và nhẹ nhàng. Hãy dành thời gian lắng nghe học trò và khéo léo khuyên bảo, hướng dẫn thêm cho học trò của mình hiểu.

Thế hệ trẻ hiện nay, các bạn hãy cảm ơn các thế hệ trước hy sinh và mang đến cuộc sống bình yên cho chúng ta. Các bạn không có gì phải quan ngại. Các bạn hãy cứ nghĩ về đất nước, về tương lai mai sau của con cháu mình mà nỗ lực trong công việc. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Sưu tầm (Báo Tuổi trẻ Online)

Trả lời