Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đã và đang tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Việt Nam.
Trong đó, chúng tập trung tuyên truyền phá hoại về ngày Quốc khánh 2-9, về công cuộc bảo vệ và phát triển chính quyền cách mạng của Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến kiến quốc. Chúng trắng trợn phủ nhận thành công, ý nghĩa to lớn, những bài học quý; xuyên tạc nguyên nhân chủ quan và khách quan, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch cũng như sức mạnh to lớn của nhân dân ta trong các sự kiện trọng đại trên. Nhưng thực tế lịch sử đã bác bỏ hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn sai trái, xấu độc của các thế lực chống phá.
Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời.
Sự kiện lịch sự có ý nghĩa vô cùng to lớn này là kết quả sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, huy động được sức mạnh toàn dân, nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Song, đúng như Lênin nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Nhà nước Việt Nam non trẻ vừa ra đời đã sớm gặp phải vô vàn khó khăn, gian khổ. Chính quyền cách mạng vừa mới về tay nhân dân đã ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đương đầu với giặc ngoại xâm, khi mà thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa; “giặc đói” với ngân khố quốc gia cạn kiệt, sản xuất nông nghiệp rất yếu kém, nạn đói với hơn 2 triệu người chết đói chưa khắc phục xong và “giặc dốt” với 90% dân số cả nước bị mù chữ…
Thực tế thành công trong bảo vệ và phát triển chính quyền cách mạng năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1946–1954) đã để lại những bài học quý cho cách mạng Việt nam và thế giới. Xin nêu một số bài học dưới đây:Nhưng chính quyền cách mạng và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đứng vững và phát triển. Chúng ta đã chiến thắng cả 3 thứ giặc, nhất là giặc ngoại xâm với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 21-7-1954, mở ra chặng đường mới cho cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam tiến hành thắng lợi đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo, vừa giữ vững nguyên tắc chiến lược, vừa có sự linh hoạt trong sách lược mềm dẻo, khôn khéo để phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng. Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng đã sớm ra Chỉ thị” Kháng chiến, kiến quốc”. Chỉ thị nêu rõ hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chế độ mới, xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội gián, việt gian phản động, đồng thời khẩn trương, tích cực cải thiện đời sống về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân. Chỉ thị còn đề ra các biện pháp phù hợp, khả thi, toàn diện về nhiều mặt để thực hiện. Tiêu biểu như: Triển khai tăng gia sản xuất, cứu đói với “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày nhịn ăn cứu đói”; chống mù chữ quyết liệt, tạo ra kết quả to lớn: chỉ sau một năm đã có 2 triệu người thoát nạn mù chữ. Có thể khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có đường lối, chủ trương kháng chiến, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân cùng các giải pháp tuyệt vời nhằm vừa xây dựng, củng cố, vừa phát triển được chính quyền cách mạng các cấp để đánh bại cả 3 thứ giặc. Thắng lợi trong diệt “Giặc đói”, “Giặc dốt” cùng với việc xây dựng cơ sở kinh tế xã hội của nhà nước non trẻ đã góp phần tạo cơ sở quan trọng để đất nước kháng chiến thành công và phát triển thuận lợi sau này.
Đặc biệt, Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã rất đúng đắn, sáng tạo xác định đường lối kháng chiến là: Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Các nội dung này có cơ sở khoa học, phù hợp thực tế, có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ. Như kháng chiến toàn dân thì mới có thể trường kỳ và tự lực cánh sinh; có kháng chiến toàn diện mới vừa“ kháng chiến” vừa “kiến quốc” hiệu quả. Chủ trương kháng chiến trường kỳ giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi chuyển hóa thế và lực, tranh thủ thời gian hòa hoãn để củng cố, phát triển lực lượng, nhờ vậy, tình hình ngày càng có lợi, giúp chúng ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu, càng thua và cuối cùng chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn
Hai là, củng cố, phát triển chính quyền cách mạng thực sự đoàn kết, thống nhất để thực hiện nhiệm vụ chung. Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã ban hành Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến địa phương được chú trọng xây dựng với hiệu quả hoạt động tốt. Tổng tuyển cử Quốc hội ngày 6-1-1946 thành công, mở đường cho bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã. Tổ chức mặt trận, các đoàn thể quần chúng cũng được xây dựng phát triển và hoạt động có hiệu quả. Chính phủ mới do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, được Quốc hội tán thành với nhiều thành phần tham gia, đã đoàn kết thống nhất cùng kháng chiến, kiến quốc. Hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều chủ động, tích cực cố gắng xây dựng, củng cố, phát triển, phát huy hiệu lực quản lý, chỉ đạo trong việc giữ vững và phát triển chính quyền ngày càng trưởng thành, vững mạnh, chỉ đạo kháng chiến thắng lợi.
Ba là, Huy động và phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân. Đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ tịch đã phát huy sức mạnh toàn dân đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng “diệt giặc đói”, “diệt giặc dối” và “diệt giặc ngoại xâm”. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu Tổ quốc”. Nhân dân quyết tâm, tích cực ủng hộ Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp; hăng hái tham gia lao động sản xuất chống đói, bình dân học vụ chống dốt và chiến đấu, phục vụ chiến đấu để kháng chiến thắng lợi. Khi đó, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng, xóm là một pháo đài, sức mạnh toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… của cả dân tộc được huy động ở mức cao nhất. Chỉ tính trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp gần 22 vạn lượt dân công và 12 triệu ngày công, gần 21 vạn xe đạp thồ, hơn 23 vạn tấn gạo, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 992 tấn thực phẩm khác… Sự đóng góp to lớn, toàn diện về mọi mặt của nhân dân đã tạo nên sức mạnh để chúng ta chiến thắng, đúng như Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở nhân dân”.
Bốn là, Xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh. Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn quan tâm đến đường lối chiến tranh nhân dân, sức mạnh nền quốc phòng toàn dân trong đó chú trọng đến việc xây dựng, củng cố, phát triển quân đội của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày càng trưởng thành và phát triển. Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Muốn đánh giặc phải có quân đội” và ngay từ ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được thành lập theo Chỉ thị của Người. Đội quân này nhanh chóng có chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần, tham gia vào Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, là lực lượng quân sự quyết định thắng lợi trên chiến trường của cuộc kháng chiến trường kỳ. Tham gia kháng chiến, quân đội càng chiến đấu thì càng chiến thắng và càng phát triển vững mạnh hơn về mọi mặt. Tháng 8-1945, lực lượng vũ trang của ta có 5.000 người, nhưng đến tháng 12-1946 đã lên đến 85.000 cán bộ, chiến sĩ. Chính các đơn vị lực lượng vũ trang cùng với khoảng 2 triệu dân quân du kích, tự vệ đã là nòng cốt quyết định thắng lợi quân sự trong kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi thì Quân đội ta cũng đồng thời trưởng thành phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với các sư đoàn chủ lực mạnh. Trong kháng chiến kiến quốc, lực lượng Công an nhân dân cũng được quan tâm xây dựng, phát triển, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân bảo vệ chính quyền cách mạng và thành quả của độc lập tự do của đất nước.
Năm là, Chúng ta đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ, phát triển chính quyền cách mạng và đất nước. Trong khi tự lực cánh sinh là chính, coi đây là yếu tố quyết định thì chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ tích cực của quốc tế. Đó là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới khi đó. Hồ Chủ tịch và Đảng ta xác định kẻ thù chính, nguy hiểm nhất lúc này là thực dân Pháp nên đã tập trung mũi nhọn vào chúng; nhưng cũng phân biệt rõ bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân lao động Pháp, tuyên truyền, vận động để nhân dân Pháp và cả binh lính Pháp ủng hộ Việt Nam. Bài học thành công trong công tác đối ngoại này đã mở ra cơ hội để cách mạng Việt Nam ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.
Những bài học quý báu cơ bản trên đây đã tạo nên sức mạnh để Việt Nam giữ vững và phát triển chính quyền cách mạng và đất nước; đồng thời được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị và được vận dụng thành công vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, nhiều bài học nêu trên đã được nghiên cứu vận dụng hiệu quả. Chúng ta đã và đang tăng cường hiệu lực lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt, xung kích của ngành Y tế, Quân đội nhân dân, hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, ủng hộ toàn diện, to lớn của toàn dân đã và đang tạo ra sức mạnh tổng hợp để Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19.
Theo Báo Quân đội nhân dân