Giáo viên trẻ lặn lội lên những nương rẫy xa xôi tìm, vận động học sinh quay lại trường rồi không ngừng trăn trở tìm giải pháp giúp đỡ đàn em về vật chất, tinh thần… Đó là một trong nhiều câu chuyện được chia sẻ từ 40 nhà giáo trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác trong toàn tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Nguyệt – Phó Bí thư tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh – cho biết đây là nơi hội tụ những giáo viên, giảng viên trẻ giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, giàu tâm huyết.
“Tôi hy vọng, chúng ta sẽ có những thông điệp ý nghĩa, lan tỏa về những câu chuyện nghiệp vụ sư phạm, mà quan trọng hơn là ý chí, nghị lực vượt qua thử thách, rèn luyện bản thân và thực hiện sứ mệnh cao quý của những “kỹ sư tâm hồn”, đồng thời đóng góp tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học trong giai đoạn tới”, đồng chí Nguyệt nói.
Có nhiều lần giáo viên phải đến tận nương rẫy xa xôi mới tìm được học trò để vận động học sinh quay lại trường. Mặc dù khá vất vả nhưng cũng nhờ đó chúng tôi có thể thấu hiểu và sẻ chia nhiều hơn, là động lực để tìm ra các giải pháp giúp đỡ các em nhiều hơn.
Cô giáo Đinh Thị Nhung – Giáo viên trường Tiểu học xã Canh Liên (huyện Vân Canh)
Gần 30km đường đồi núi với những con dốc cheo leo nơi vùng cao Canh Liên là con đường đến trường mỗi tuần của cô giáo trẻ Đinh Thị Nhung. Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam, năm 2018, cô giáo Đinh Thị Nhung được nhận về công tác tại trường Tiểu học xã Canh Liên (huyện Vân Canh) – cũng chính là quê hương của mình.
Trường có 06 điểm ở các làng khác nhau của xã, 04 năm trước cô Nhung tham gia giảng dạy ở điểm trường Kà Bưng và năm nay đã chuyển về điểm trường chính – là giáo viên chủ nhiệm các em học sinh khối lớp 3. Dù là người đồng bào, có lợi thế khi tiếp xúc với các em học sinh, thế nhưng khi nhớ về những ngày đầu đến với nghề, cô Nhung cho biết cũng gặp không ít khó khăn như bao đồng nghiệp khác. Dù vậy, chưa bao giờ trong cô giáo trẻ này có suy nghĩ từ bỏ mà ngược lại luôn khắc phục những khó khăn, cố gắng nỗ lực hết mình trong việc dạy học học sinh của mình.
Kể từ ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, sau 05 năm, cô giáo trẻ Đinh Thị Nhung vẫn luôn tâm niệm một điều duy nhất: Làm sao để học sinh yêu thích tới trường? Làm được điều ấy bình thường đã khó, nhưng còn khó khăn gấp nhiều lần đối với học sinh dân tộc thiểu số. Những buổi đi vận động phụ huynh không để con nghỉ học, gặp gỡ gia đình học sinh khó khăn như thế này trở thành công việc thường xuyên sau giờ lên lớp của cô Nhung. Cô Nhung chia sẻ: “Bản thân cũng là người dân tộc thiểu số, càng giúp bản thân hiểu được giáo dục là tri thức, là chìa khóa duy nhất để mở ra tương lai cho các em, giúp các em thực hiện ước mơ của mình, có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và quê hương”.
Điểm chung của nhiều giáo viên, giảng viên trẻ hiện nay ngoài công tác chuyên môn, chính là những thủ lĩnh Đoàn Thanh niên năng nổ trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên trong trường học. Trong những giờ lên lớp của thầy Phát, các sinh viên cũng được chủ động thực nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, tham gia trao đổi kiến thức một cách thoải mái. Thầy Phát luôn là một trong những “thủ lĩnh” của các sinh viên khi thúc đẩy các phong trào, hoạt động, các chương trình nghiên cứu khoa học, sáng chế thiết bị khoa học kỹ thuật của khoa và trường. Nhiều nghiên cứu của thầy và trò đã được giải cao tại các cuộc thi lớn.
Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng có một thời thanh xuân. Sống có lý tưởng, đam mê, cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết cho xã hội – là con đường khắc ghi thời thanh xuân tươi đẹp của chính mình. Với những giáo viên trẻ, tuổi trẻ của họ là những năm tháng cố gắng làm tốt cương vị của những người gieo chữ, là sức trẻ và lòng nhiệt huyết mang tình yêu đến với học trò.
Huyền Trang