Vào Quy Nhơn nhận học bổng cũng là lần đầu tiên em Nguyễn Thị Tường Vy, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trân (Hoài Nhơn) đi xa nhà. Bởi ngoài khoảng thời gian trên lớp, thời gian còn lại em đều giành cho gia đình để làm thay vai trò của mẹ. Vy bùi ngùi cho biết: “Trước kia ba em hùn với mấy chú trong gia đình mua cái ghe để đi biển. Mấy năm trở lại đây mẹ bị bệnh nặng, ba phải ở nhà chăm mẹ. Còn ghe thì giao cho các chú làm. Có lãi thì các chú chia, không có thì ba qua nhà nội hay ngoại mượn tiền để chi tiêu. Mẹ đau, mọi việc trong nhà từ ăn uống, giặt giũ đến chăm sóc các em, em đều làm thay mẹ. Học bổng này sẽ giúp cho em và các bạn có hoàn cảnh khó khăn khác trang trải chi phí học tập”.
Bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, cho biết: “Qua thực tế triển khai chương trình, có một điều khiến chúng tôi rất hạnh phúc là có rất nhiều em đã trưởng thành từ chương trình này. Như trong dự án Uơm mầm tương lai (dự án được Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với các trường THCS-THPT tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết phấn đấu vươn lên trong học tập về ăn ở, học tập tại trường), Bình Ðịnh có 3 em được tham gia là Ðinh Thị Tưa (huyện Hoài Ân), Ðinh Văn Rá và Ðinh Thị Thanh Nhe (đều ở huyện Vân Canh). Học hết lớp 5, các em này đều được đưa vào TP Hồ Chí Minh học tập và được đài thọ mọi chi phí. Ðến nay hai em Tưa và Rá đã hoàn thành chương trình và đang học năm nhất đại học. Còn em Nhe đang học lớp 10 và là một trong 250 học sinh xuất sắc nhất của dự án”.
Những tấm gương vượt khó
100 học sinh người dân tộc thiểu số và ở vùng biển đảo của tỉnh vừa nhận học bổng Vừ A Dính (của Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) và học bổng của Quỹ CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” (thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính), mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung đều là những tấm gương tiêu biểu nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học tập.
Em Phạm Thị Lan, học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Dương (Phù Mỹ), là một trong số đó. Lan kể, em sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em ở thôn 10, xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ). Ba em làm nghề đi bạn cho các tàu cá trong xã. Mỗi tháng, chỉ có mùa trăng là ba mới trở về để sum họp với gia đình. Hai năm trở lại đây, phần vì biển cả thất bát, phần vì chi phí học tập của 4 chị em ngày một tăng nên ba Lan phải bám biển nhiều hơn, số lần về nhà cũng ít hơn. Những ngày ba vắng nhà, Lan thường giúp mẹ lo công việc đồng áng, tối đến, em lại chong đèn học đến khuya. 11 năm liền em đều là học sinh khá, giỏi. “Có lần trong lúc đi biển ngoài Trường Sa, ba bị rớt xuống biển suốt 3 giờ, may mà được tàu khác vớt lên. Sau lần ấy, cả nhà muốn ba tìm công việc khác để làm nhưng rồi mẹ ngã bệnh, gánh nặng gia đình lại đè lên đôi vai gầy yếu của ba. Và ba em lại tiếp tục ra khơi với hi vọng lo cho các con đi học đầy đủ. Biết tin mình được nhận học bổng, em vui lắm, suốt đêm em không ngủ được”, Lan xúc động nói.