Với tham vọng tiếp tục duy trì ách thống trị ở Việt Nam và được đế quốc Mỹ “chống lưng”, thực dân Pháp đưa quân trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa với toan tính tiêu diệt chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ. Đứng trước tình hình vô cùng nguy cấp đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên” vào ngày 7-5-1954.
Trên thực tế, chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ còn làm thất bại chủ trương của Mỹ xâm lược theo phương thức sử dụng quân đội Pháp để tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” trên đất nước ta. Theo các cứ liệu lịch sử được công bố ở Mỹ và phương Tây, phần lớn vũ khí và bom đạn được thực dân Pháp sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đều là của Mỹ, kể cả 3 tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương. Thậm chí, Mỹ còn có kế hoạch sử dụng bom nguyên tử một khi Pháp đứng trước nguy cơ thất bại ở Điện Biên Phủ. Bị thất bại nhục nhã ở Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập không chỉ của Việt Nam mà cả của Lào và Campuchia. Theo Hiệp định Geneva, lãnh thổ Việt Nam bị tạm thời phân chia thành hai miền và được phân định bằng vĩ tuyến 17. Các bên tham gia ký kết tại hội nghị nhấn mạnh rằng trong bất cứ trường hợp nào, không thể coi vĩ tuyến 17 là biên giới chính trị hay biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia, rằng sự chia cắt đó chỉ là tạm thời và hai miền sẽ được thống nhất trước tháng 7-1956 thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ.
Với tinh thần cảnh giác cao độ và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cao, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bắn rơi 3.243 máy bay, bắt sống 363 phi công; bắn cháy, bắn chìm 143 tàu chiến; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia. Đầu năm 1968, nhận thấy so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta, Bộ Chính trị Đảng ta thông qua quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, giáng đòn quyết định để đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson buộc phải đưa ra tuyên bố chấm dứt việc đưa quân Mỹ vào miền Nam, chuyển giao vai trò chiến đấu chủ lực và trực tiếp cho quân đội ngụy Sài Gòn, đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris. Tuy nhiên, lên cầm quyền vào năm 1969, Tổng thống Mỹ Nixon chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Cuộc đàm phán ở Paris giữa 4 bên là Mỹ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán kéo dài từ năm 1968 đến 1973. Sau 5 năm đàm phán cam go, cuối cùng Mỹ chấp nhận những nội dung cơ bản của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, do bản chất xâm lược, Mỹ muốn lật ngược tình thế bằng cách tiến hành chiến dịch tập kích mạnh mẽ nhất bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng cũng như nhiều thành phố khác trên miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 1972. Trong đó, Mỹ sử dụng 663 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc.
Bị thất bại nặng nề và không đạt được mục đích của chiến dịch tập kích chiến lược này, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris. Theo hiệp định này, Mỹ chấp nhận nhiều cam kết và những cam kết này là điều kiện thuận lợi để chúng ta đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và thực hiện thành công chủ trương chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Như vậy, toàn bộ lịch sử cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chứng tỏ Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kéo dài 30 năm và hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử cho rằng “Mỹ không hề xâm lược Việt Nam”, rằng “miền Bắc xâm lược miền Nam”. Việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là do chúng ta sẵn sàng gác lại quá khứ để hai nước hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh cục diện chính trị thế giới đã thay đổi căn bản. Điều này hoàn toàn bác bỏ luận điệu cho rằng Mỹ tiến hành chiến tranh chỉ là nhằm “giúp Việt Nam tiếp cận nền văn minh của phương Tây”.
Thu Trúc